Nếu du khách đã từng đến với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió hẳn sẽ bị cuốn hút bởi những đặc sản độc đáo nơi đây. Cùng khám phá 10 món ăn nổi tiếng của Tây Nguyên mà du khách không nên bỏ qua khi đến đây nhé!
1. Thịt nai Đắk Lắk
Thịt nai là món đặc sản nổi tiếng nhất của Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ có ít gân, mỡ màu trắng ngà, độ mềm hơn cả thịt bê non. Thịt bò 7 món đã hấp dẫn nhưng 7 món nai còn vượt xa một cách bất ngờ.
Nai được chế biến thành các món như nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và nai khô hợp lại đủ 7 món giống như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô là những món tiêu biểu và được ưa chuộng nhất.
2. Gỏi lá
Nếu một lần đến với phố núi nằm ở cực bắc Tây Nguyên (Kon Tum), du khách đừng quên thưởng thức món gỏi lá. Gỏi lá là món ăn khá độc đáo được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có. Mỗi loại lá lại có một tác dụng chữa bệnh khác nhau.
Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu rồi gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm cùng với lá là thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn với bột gạo nếp rang. Nước chấm được làm từ bỗng rượu, đã khử qua dầu ăn, có thêm trứng vịt để tạo thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên hạt, muối hạt, ớt cay xanh, và hành là những gia vị không thể thiếu.
3. Cơm lam
Cơm lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi trong đó chứa đựng vị ngọt của dòng suối mát trong với hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non.
Đầu tiên phải chọn cây nứa ngôvẫn còn non, chặt lấy gióng ở lưng chừng nứa rồi phạt đi đầu mặt, sau đó dùng lá nút lại, chất củi xung quanh đốt cho sôi. Gạo nếp làm cơm lam là loại nếp trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là nếp tan. Ngâm gạo, vo sạch, rắc vào ít muối trộn đều rồi cho vào ống lam, cùng dòng nước suối trong vắt sẽ tạo nên món cơm lam mang hương vị đặc biệt của núi rừng.
4. Gà nướng Bản Đôn
Để có những con gà nướng ngon, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu và để chọn nướng là loại mới lớn, chừng hơn một kg mỗi con.
Sau khi làm xong, gà sẽ để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp với muối ớt, nước sả, thêm ít mật ong rừng. Sau đó, con gà thường được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than, cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi gà chín đều và chuyển sang màu vàng, tươm mỡ bóng nhẫy. Để ăn gà nướng ở Bản Đôn đúng kiểu thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả, nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh sẽ đem lại món ăn rất hấp dẫn.
5. Cá lăng
Cá lăng là một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng Tây Nguyên, đây là loài cá nước ngọt, thuộc bộ cá da trơn, có nhiều ở trên sông Sêrêpốk. Cá có vị ngọt, béo, thơm ngon, thường dùng để làm chả, om chuối, hấp, xào tỏi hay nấu cháo, món nào cũng đều thơm ngon.
6. Bò một nắng nướng
Ngày nay bò một nắng đã trở thành đặc sản phổ biến ở Tây Nguyên. Thịt bò tươi đem thái thành từng miếng mỏng, rồi ướp sơ qua với các loại gia vị, đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên mới có tên gọi là bò một nắng. Sau đó đóng vào bao cất giữ, khi ăn chỉ cần lấy ra và nướng chín trên bếp than hồng rồ thưởng thức với muối kiến vàng của người dân tộc.
7. Heo rẫy nướng
Heo rẫy là loại heo đồng bào nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên. Heo rừng có da dày, còn heo rẫy da mỏng nhưng rất ít mỡ, thịt mềm lại ngọt chắc.
Hai món heo nướng cao nguyên và heo nướng muối ớt đều tỏa mùi thơm gốc rễ bởi có chung những loại gia vị tẩm ướp cơ bản là củ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt. Món nướng cao nguyên thì chặt nhỏ rồi xiên tre, còn món nướng muối ớt thì nướng nguyên con rồi dùng dao xẻo tại bàn. Bí quyết heo nướng để lâu mà vẫn óng ả giòn thơm là dùng sô-đa đánh tan mạch nha cùng nước cốt chanh, rồi phết nhiều lớp lên da và quay đều trên bếp than hồng.
8. Lẩu lá rừng
Món lẩu lá rừng được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên.Gọi là lẩu nhưng thực ra giống với món canh hơn, nguyên liệu được dùng ngoài nhiều loại lá khác nhau có thêm tôm khô hoặc các loại thịt khác.
9. Canh cà đắng
Người dân tộc ở Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk và Đắk Nông thường dùng cà đắng chế biến món ăn trong các bữa cơm để phòng chữa bệnh thống phong, thấp khớp hoặc đau nhức.
Cách nấu dân dã của người Ê Đê ngon một cách bất ngờ với đầu cá trích khô cho vào cối giã nát, rồi khử hành hoặc tỏi với một ít dầu, đưa bột đầu cá trích vào xào sơ cho dậy thơm. Sau đó đổ nước vào nấu canh, đợi sôi lên, cho cà xắt khoanh hoặc bổ như múi cam vào. Khi cà đã mềm, chắt nước cơm cho vào nồi canh để nước có độ sền sệt tạo nên tô canh thơm lạ cùng với vị ngọt, đắng nhẫn nhẫn của cà.
10. Cá tiến vua
Dòng sông Sê San hùng vĩ ngoài khả năng thủy điện còn chứa trong lòng những loài thủy sản quý hiếm như các loại cá sọc dưa, cá lăng, cá chiên, thậm chí có cả loài cá anh vũ.
Thịt cá chắc mà mềm mại, trắng và thơm, thường được làm thành món nướng mọi, nướng muối ớt, hấp, hay nấu lẩu măng chua. Hấp dẫn hơn cả là món cá chiên giòn với gừng, ban đầu cứ ngỡ là thịt gà nhưng cắn vào thì lại thơm ngon hơn nhiều.