Trong hành trình đến với vùng Tây Bắc, ngoài việc thưởng ngoạn những cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ của núi rừng, du khách còn sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản độc đáo. Hãy đến với 10 món ăn nổi tiếng của Tây Bắc mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây nhé!
1. Thắng cố
Thắng cố – món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Mông là đặc sản hấp dẫn của vùng Tây Bắc. Thịt nấu thắng cố gồm thịt bò, thịt ngựa và thịt lợn. Các bộ phận như lòng, tim, gan, tiết, thịt đều sẽ được thái vuông quân cờ, cho vào đun nhừ trong một chiếc chảo rất lớn. Nồi nước dùng được đầu bếp người Mông chăm chút rất chu đáo, từng muỗng bọt được hớt ra để nước xương thêm ngọt, thêm trong. Thêm vào đó là một vài loại thảo quả, quế, hồi cùng những thứ rau rừng xanh mát, tươi non.
Thắng cố có vị béo, ngậy ngậy, bùi bùi, mang thêm một chút mùi ngai ngái cùa nội tạng gia súc. Thưởng thức thắng cố, thực khách sẽ có nhiều cung bậc cảm xúc với món ăn lạ lẫm này.
2. Thịt gác bếp
Thịt gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái ở Tây Bắc. Món này thường được làm từ thịt trâu, bò hay lợn thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta sẽ róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi.
Mùi khói trong thịt gác bếp khiến ai nhạy cảm sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của thịt thì phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm thường tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc.
3. Cá sông Đà nướng
Vùng lòng hồ sông Đà (Hòa Bình) có chứa rất nhiều loại cá nước ngọt như trắm, chép, lăng, nheo… có thể chế biến thanh nhiều món ngon. Trong đó phải kể đến món cá nướng đồ. Từng con cá tươi rói mới bắt từ sông lên sẽ được thọc các que nhỏ, dài từ miệng xuống tận đuôi. Sau đó, cá được kẹp bằng tre ở ngoài để không bị gãy và rơi khi chín. Tiếp đó, từng xiên cá ấy sẽ được đưa lên bếp nướng thơm.
Cá nướng dù đã ngon nhưng không ăn ngay mà còn được cho thêm muối, rồi gói vào lá chuối, sau đó đồ lên. Khi cá được mang ra có mùi thơm rất đặc biệt, với mùi của than ấm, mùi của thịt cá ngọt tươi, thoang thoảng hương chuối, hương tre của rừng, thêm đậm đà vị mặn mà đơn sơ của muối.
4. Xôi và cốm tan Tú Lệ
Thung lũng Tú Lệ ở phía Tây của tỉnh Yên Bái mùa nào cũng đẹp giống như tên gọi của nó. Khi lúa non, từ trên đèo cao nhìn xuống sẽ thấy thung lũng Tú Lệ như thảm cỏ xanh mướt, vào mùa lúa chín thì đây đúng là một thung lũng vàng và hơn thế, hương thơm từ thứ nếp nổi tiếng có thể làm du khách “say” chẳng muốn về.
Nếp tan là thứ gạo nếp rất nổi tiếng mà khi đồ có thể hương thơm bay xa tận vài trăm mét, bản trên, xóm dưới đều có thể hưởng được hương thơm. Vào đầu mùa thu hoạch (tầm tháng 4 và tháng 10 hàng năm), du khách đến đây sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ ngon chẳng kém gì so với cốm Làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội.
5. Pa pỉnh tộp
Món ăn lạ tai này còn có tên dễ gọi hơn là cá gập nướng của người Thái, đây là đặc sản Sơn La, Lai Châu. Có thể dùng nhiều loại cá để chế biến như cá chép, cá trắm hay cá trôi khoảng vài lạng là ngon. Cá sẽ được mổ dọc sống lưng, bỏ mật và nhồi gia vị vào như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, cùng hành tươi, húng, đặc biệt là có mắc khén để vừa tăng sự đậm đà vừa khử tanh.
Khi cá ngấm đều, người ta gập đôi lại, dùng tre kẹp chặt và đem cá nướng trên than hồng chứ không xiên hay để thẳng con nướng như những nơi khác. Cá gập nướng có mùi thơm của mắc khén đặc trưng núi rừng, vị ngọt lành, thơm nóng của cá, lại đậm đà, cay dịu của các gia vị đi kèm.
6. Măng nộm hoa ban
Nếu du khách có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức một món ăn có đủ vị đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món măng nộm hoa ban.
Măng dùng làm nộm ngon nhất là măng nứa và măng đắng. Măng đắng sắt nhỏ đem ngâm nước muối 30 phút, rồi luộc 2 lần và vớt ra để ráo, còn nếu là măng nứa thì chỉ cần đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để. Tiếp đó phải chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, rồi đem nướng trên than củi và gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn gồm chanh, tỏi, ớt, rau húng cùng rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng sẽ trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện đã tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng.
7. Lợn cắp nách
Đây là loại lợn đặc sản của vùng cao Tây Bắc. Giống lợn này được bà con dân tộc thả rông trong rừng và tự đi kiếm ăn nên mỗi con chỉ nặng chừng 10 – 15 kg. Do chỉ ăn các loại lá cây, rau cỏ trong rừng nên thịt rất chắc và thơm ngon. Lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ăn ngon như hấp, nướng, hay nấu giả cầy, hầm, nấu canh… Món nào cũng được tẩm ướp và nấu cùng với các loại lá, hạt đặc trưng của núi rừng sẽ mang lại cảm giác lạ miệng cho thực khách.
8. Chéo (chẳm chéo)
Đây là tên của một loại gia vị chấm đã trở thành huyền thoại vùng Tây Bắc. Chéo được làm từ loại quả của cây mắc khén. Đây là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti và tỏa hương thơm dịu.
Quả mắc khén sau khi hái về, bắc chảo rang nóng rồi sẽ được giã mịn và trộn chung cùng với ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, thêm rau mùi tàu xắt nhỏ rang khô (cũng được giã thành bột mịn) và sả. Chéo có mùi thơm hăng hắc chứ không dễ chịu nhưng chính điều đó mới mang nét núi rừng khiến người ta đắm đuối.
9. Bánh dày
Bánh dày là loại bánh không thể thiếu trong trong ngày tết của người Mông ở Tây Bắc. Cũng được làm từ nếp nương, các công đoạn làm bánh yêu cầu phải làm thủ công nên mất nhiều thời gian. Nếp sau khi đồ phải dùng tay giã nhuyễn rồi mới đem gói bằng lá dong rừng.
Bánh dày có thể để được rất lâu, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Bánh dày có thể ăn cùng với chả, giò, hoặc chỉ nướng trên than hồng hay chấm với chút mật ong rừng đều mang hương vị khó quên.
10. Nậm Pịa
Nậm pịa là một món ăn độc đáo ở vùng cao Tây Bắc của người Thái. Món ăn này có nguyên liệu chính là nội tạng các loài động vật ăn cỏ gồm có dạ dày, tiết, lòng, tim gan, phèo phổi thập cẩm phế lù được đem ninh nhừ. Ngoài ra còn một thành phần rất đặc biệt là phần dịch nằm ở giữa đoạn dạ dày và ruột già được gọi là pịa.
Món nậm pịa có màu bên ngoài đặc sắc nâu sền sệt không bắt mắt, hương vị cũng khó ngửi. Ăn thử miếng đầu tiên sẽ thấy vị đắng. Ăn miếng thứ hai, thứ ba thấy thơm mùi mắc khén, với vị ngọt của thịt, xương cùng vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích bởi vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa thường ăn kèm với thịt luộc, rau bạc hà, rau chuối và thêm chút rượu nồng là nhất vị.