Không chỉ được biết đến bởi nhiều điểm du lịch hấp dẫn, Ninh Thuận còn níu chân du khách bởi những đặc sản vô cùng độc đáo. Cùng đến với 10 món ăn nổi tiếng của Ninh Thuận mà du khách không nên bỏ qua khi dừng chân tại đây nhé!
1. Cơm gà Ninh Chữ
Đến Ninh Chữ, du khách không nên bỏ qua món cơm gà với vị ngon rất đặc trưng. Ở đây, gà vườn có thịt rất ngọt, mềm và ngon có tiếng. Nước chấm trong món cơm gà Ninh Chữ có lẽ phong phú nhất trong các món cơm gà mà thực khách đã từng thưởng thức trước đó, bởi không chỉ là loại nước chấm được pha từ nước mắm với tỏi ớt chanh đường, mà thực khách còn có thể chọn lựa nước mắm pha thêm rượu với mùi chua đặc trưng cực kỳ hấp dẫn.
2. Bún cá dằm Ninh Chữ
Một trong những món ăn ngon của Ninh Chữ được nhiều du khách tìm kiếm để thưởng thức là bún cá dằm. Món bún này được chế biến đậm đà, có cá tươi và dai, kết hợp cùng với vị ngọt thanh của nước dùng.
3. Bánh căn và bánh xèo
Bánh căn và bánh xèo là 2 loại bánh đặc sản nổi tiếng của Ninh Thuận. Nhân bánh xèo được làm từ các loại hải sản tươi như tôm và mực. Về khuya, trong cái tiết trời se lạnh của phố biển, được thưởng thức món bánh xèo bên bếp lửa hồng thì còn gì tuyệt hơn.
Bánh căn gần giống với bánh khọt, nhưng được làm bằng bột gạo pha nếp. Nhân bánh căn thường dùng mực, thịt hoặc trứng cùng với nước chấm làm từ đậu phụng rang xay nhuyễn, thêm chút vị chua của me, vị ngọt của đường, và mùi thơm của tỏi, hành phi tạo nên một hương vị rất đậm đà khó quên.
4. Thịt dông
Thịt dông tại Ninh Chữ là một đặc sản nổi tiếng và có thể được chế biến thành 7 món khác nhau. Mỗi kiểu chế biến lại đem đến cho thực khách một cảm giác khác nhau.
5. Mực một nắng Phan Rang
Qua các vùng biển ở Việt Nam, du khách có thể gặp rất nhiều vùng có mực một nắng, nhưng đến với thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sẽ đều phải thử qua mực một nắng của miền biển này.
Ở đây, mực một nắng đều phải sử dụng mực ống tươi nguyên khi vừa mới đánh bắt, thế nên khi đã qua một nắng lớn, phần bên ngoài của mực thành khô ráp và có màu trắng đục nhưng bên trong thịt vẫn giữ độ ngọt nguyên, giòn.
6. Gỏi cá mai Ninh Chữ
Với nhiều du khách, khi du lịch Ninh Chữ, Ninh Thuận mà chưa từng thử qua món gỏi cá mai thì thật đáng tiếc. Cá mai ở vùng biển Ninh Chữ hẳn là không khác nhiều so với các vùng biển khác và vị ngon cũng không hề thua kém gì cá mai ở vùng biển rất sạch là Phú Quốc.
7. Bún mắm nêm
Đây là món ăn phổ biến nhất nhì Phan Rang, trên khắp các con đường lớn nhỏ đều dễ thấy quán bún mắm nêm. Bún mắm nêm được làm rất đơn giản, chẳng cần nước dùng hay than đỏ lửa, chỉ cần cho thẳng các nguyên liệu vào bát, trộn đều lên là ăn ngon lành.
Một vắt bún tươi cho vào bát cùng chút rau sống, cà pháo và thêm chén mắm nêm cay cay mặn mặn là xong. Nếu thích có thể cho thêm miếng chả lụa, hay chả cá… Thật nhanh gọn và dân giã nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, đậm đà.
8. Nhum biển Cà Ná
Con nhum hay còn gọi là cầu gai dù được biết đến nhiều nhưng không hẳn ở vùng biển nào cũng có. Riêng ở bãi biển Cà Ná, nhum rất sẵn và khá ngon, đã trở thành đặc sản của miền biển này mà ít nơi nào sánh được. Nằm ở độ sâu chỉ khoảng 10m và thức ăn chính của nó là san hô nên thịt nhum cực kỳ ngon. Nhum có hai loại nhum gai và nhum sọ, trong hai loại này thì nhum gai được cho là ngon hơn với vị nồng khá đặc trưng.
Cháo nhum là món ăn ngon và phổ biến được chế biến từ con nhum. Cháo chín, sẽ múc ra chén, thêm ít hành lá và ngò thái nhuyễn, ngay lập tức một mùi thơm ngào ngạt quyến rũ tỏa lan khiến thực khách khó có thể cầm lòng. Phần thịt nhum còn nguyên trong vỏ được dùng làm nhum wasabi và ăn tươi kèm muối tiêu chanh, mù tạt sẽ cực kỳ ngon với hương vị đặc trưng khó diễn tả bằng lời.
9. Nho Ninh Thuận
Nho là một trong số những đặc sản hấp dẫn của Ninh Thuận. Vùng đất Ninh Thuận được xem là vựa nho cung cấp nguồn nho cho cả nước từ nho tươi cho đến các sản phẩm chế biến từ nho như mật nho, mứt nho, hay rượu vang nho và nho khô.
10. Bánh rế Ninh Thuận
Bánh rế có có mầu nâu đỏ, hơi giống với mầu cánh gián và hình dáng giống thứ đồ mà người ta dùng để đặt xoong, nồi nhưng nhỏ hơn rất nhiều, có vô số những sợi rất mảnh xoắn xuýt, đan bện với nhau. Để làm ra bánh rế, việc đầu tiên là lột củ mì (sắn) và gọt vỏ củ khoai lang. Rồi bào thành sợi. Do quá mỏng và dài nên những sợi củ ấy đã quấn lấy nhau. Cái độc đáo của bánh chính là nằm ở chỗ đó.
Những chiếc bánh rế được xếp chồng lên nhau, đến khi đã nguội, giống y hệt như đồ chơi của con nít. Nhìn trông rất thích mà ăn lại càng thích hơn. Đó là sự hòa quyện của một hỗn hợp gồm cái bùi bùi của tinh bột, cái beo béo của dầu, cùng cái ngon ngọt của đường mật và không thể thiếu được độ giòn tan.
Thu Vân