Đến với Long An, ngoài việc thưởng ngoạn các phong cảnh thiên nhiên và khám phá các nét văn hóa độc đáo của người bản địa thì du khách còn được thưởng thức các món ăn ngon. 10 món ăn nổi tiếng của Long An được dưới thiệu dưới đây sẽ làm hài lòng du khách khi đến đây.
1. Gạo Nàng Thơm chợ Đào
Vùng đất Chợ Đào ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước là nơi xuất xứ của giống lúa có hương vị thơm ngon, đặc biệt là gạo Nàng Thơm chợ Đào với những ưu điểm nổi bật. Gạo Nàng Thơm chợ Đào có hạt thon dài, chà trắng ra, bên trong còn có hột lựu hồng hồng. Gạo có mùi rất thơm, để trong bao ni lông 4 đến 5 tháng khi mang ra nấu vẫn thơm lừng.
Gạo nấu thành cơm rất dẻo, lại mang vị ngọt thanh, và mùi thơm giữ được rất lâu, đặc biệt là dù để qua ngày cũng không bị ôi thiu. Nơi đây có món cơm được nấu từ gạo Nàng Thơm ăn ăn cùng với cá bống kèo kho tộ được xem là một đặc sản nổi tiếng của Long An.
2. Bánh tét Long An
Bánh tét là một món ăn ngon không chỉ của người dân Long An mà còn là món quà không thể thiếu của du khách khi du lịch nơi đây. Bánh tét Long An ngon nhất là ở thị trấn Đức Hòa. Người Đức Hòa chọn nguyên liệu để làm bánh rất kỹ, nếp được lấy từ huyện Châu Thành, Cần Đước, hay Cần Giuộc. Thịt là loại ba rọi ngon, đậu xanh tròn hạt, với lá chuối to bản. Nhân bánh tét có nhiều loại như nhân mặn, nhân ngọt, hoặc nhân chuối, nhân dừa. Đã từng thử bánh tét Long An một lần sẽ khó có thể quên được hương vị thơm ngon của món bánh này.
3. Dưa hấu Long An
Diện tích dưa hấu ở Long An có đến hơn 1.100ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Châu Thành, Tân Thạnh, Mộc Hoá, và Vĩnh Hưng, Thủ Thừa. Hiện dưa hấu Long An đã được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanma…
Dưa hấu được xem là một trong những loại trái cây không những ngon ngọt, dễ ăn mà còn cung cấp cho cơ thể một lượng nước lớn, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng quý giá. Hơn nữa, trong y học cổ truyền thì cả ruột và vỏ dưa hấu còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh.
4. Lẩu mắm Long An
Lẩu mắm là một món ăn tập hợp đầy đủ các sản phẩm cá, tôm, cua, mực, bò, heo… và đặc biệt là số lượng phong phú, của các loại rau. Đĩa rau của lẩu mắm gồm có rau muống, cọng súng, rau cải trời, giá sống, rau thơm, dưa chuột, rau đắng, bông điên điển, khế chua, chuối chát, ớt đỏ… Đặc biệt là không thể thiếu bóng dáng của ngọn rau dừa.
Món ăn không chỉ đem lại cho thực khách sự ngon mắt, ngon miệng, mà còn cung cấp một lượng dưỡng chất phong phú, cùng các chất sinh năng lượng và các vitamin…
5. Canh chua cá chốt
Những con cá chốt mập ú, to gần bằng ngón chân cái với cái bụng căng tròn đầy trứng. Cá chốt kho sả ớt hay nấu canh chua đều rất ngon và được ưa thích. Lẩu canh chua nóng hổi bốc khói, gắp miếng trứng cá sẽ cảm nhận vừa béo vừa bùi.
Canh chua bông lý đã ngon mà món cá chốt kho sả cũng không kém phần hấp dẫn. Để có nồi canh hay mẻ cá chốt kho đậm đà phải lựa những con còn tươi, da bóng láng và bụng đầy trứng.
6. Lạp xưởng tươi
Lạp xưởng tươi là món ăn độc đáo của Long An, đặc điểm của lạp xưởng tươi khác với các loại lạp xưởng khác bởi độ nạc nhiều, mỡ rất ít, khi ăn gần như không thấy mỡ. Thông thường, có thể nướng lạp xưởng ở trên bếp than hay chiên (với ít mỡ), nhưng ở nơi này có một cách chiên rất hay là gọi là “lăn nước”. Thay vì dùng dầu (mỡ) thì người ta lại dùng nước. Cho nước vào xâm xấp, canh cho lửa riu riu, dùng đũa trở đều tay cho đến khi đã cạn nước và thấy chiếc lạp xưởng chín vàng đều là được.
7. Rượu đế Gò Đen
Rượu đế Gò Đen là loại rượu trứ danh của Long An được bày bán rất nhiều ở dọc hai bên đường thuộc khu vực Gò Đen, địa phận huyện Bến Lức. Rượu Gò đen chính hiệu được nấu từ một trong các loại nếp trồng tại địa phương như nếp Mở, nếp Mù U, nếp Than Tuyền, hay nếp Hương, nếp Thổ Địa…. Cách nấu rượu truyền thống mất thời gian ủ men với nếp khoảng một tuần, sau đó đem nấu lửa đượm rồi mới chắt lọc được cái tinh túy nhất của men nồng, nếp thơm chomùi vị đặc sắc của rượu.
8. Thanh long Châu Thành
Long An là tỉnh duy nhất của miền Tây trồng được thanh long, và huyện Châu Thành là nơi tập trung trồng thanh long nhiều nhất. Trái thanh long Châu Thành tuy không to bằng thanh long ở Bình Thuận nhưng lại có vị ngọt và đậm đà hơn.
9. Đậu phộng Đức Hòa
Cảnh đồng rộng mênh mông khoác lên mình một màu xanh mơn mởn của động phộng. Dưới đám lá xanh là những chùm hoa màu vàng tươi. Nhìn kỹ sẽ thấy những quả đậu phộng được hình thành trên mặt đất sau khi hoa đã được thụ phấn. Sau đó quả đậu phộng mới đâm xuống đất và lớn dần lên.
10. Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là món ăn đã có từ ngày khai phá đất Phương Nam với hương vị đậm đà. Cá lóc nướng phải đợi đến sau mùa nước nổi mới ngon, khi mà những cơn mưa dầm chỉ còn là những cơn gió bấc lao xao về thì cá mới mập ra.
Người sành ăn sẽ lựa cá lóc cỡ cườm tay để cá có thể chín được đều khi nướng. Lấy một thanh tre rồi đâm xuyên thanh tre từ đầu đến tận đuôi cá. Cắm thanh tre xuống đất để đầu cá hướng xuống dưới, chất rơm rạ xung quanh và đốt lủa nướng cá, đến khi rơm tàn là lúc cá chín.
Thu Vân