Thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Kon Tum vẻ đẹp hùng vĩ với đầy đủ sản vật của núi rừng và sông suối. Cùng khám phá 10 món ăn nổi tiếng của Kon Tum làm nao lòng bất cứ du khách nào khi thưởng thức nhé!
1. Gỏi lá
Gỏi lá là một món ăn lạ miệng mà bất cứ ai khi đặt chân đến Kon Tum đều muốn một lần được thử. Món gỏi này đặc biệt bởi nó được lấy nguyên liệu từ hơn 50 loại lá, rau khác nhau. Phần lớn sẽ dọn món khi chỉ đủ 40 loại đổ lại nhưng nhất thiết không thể thiếu lá sung, lá đinh lăng và lá mơ lông. Đây là các loại lá dùng cuốn thành phễu đựng các món khác để làm thành một phần ăn.
Các món ăn kèm không thể thiếu để làm tăng hương vị cho món ăn gồm da heo thái mỏng trộn với thính, tôm sông rang, thịt ba chỉ thái chỉ, cùng nước chấm bỗng rượu đã được khử mùi qua chút dầu nóng và trộn đều với trứng vịt để làm thành một hỗn hợp sền sệt mang màu đỏ rất bắt mắt. Ngoài ra, cần có thêm ớt xanh, tiêu rang nguyên hạt, muối hạt và hành. Chỉ cần cuốn một chiếc phễu lá rồi cuộn vào trong tất cả các loại gia vị, nguyên liệu và các loại lá là đã có thể cảm nhận được những hương vị của vùng đất đại ngàn này.
2. Xôi măng
Măng là một phần không thể thiếu trong ẩm thực Kon Tum nên người dân nơi đây thỏa sức sáng tạo ra các món ngon có măng là thành phần trong ấy. Trong đó phải kế đến một món ăn trứ danh Kon Tum mới có là xôi măng.
Sau khi đào măng trên rừng về, bỏ vỏ, rửa sạch rồi thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Để măng không bị ngái và để khử bớt độc, người ta đem măng đi luộc nước sôi qua nhiều lần trước khi xào với gia vị để từng sợi măng được đậm đà hơn. Phần xôi được đồ bằng gạo nếp ngon đã ngâm với bột nghệ để có áo lớp màu vàng đẹp mắt. Xôi măng được dùng kèm với ruốc, vừng hay cá kho theo khẩu vị của người dân bản địa sẽ mang lại hương vị thơm ngon, độc đáo.
3. Cơm lam
Nứa được chọn để làm cơm lam phải là loại nứa ngô non, đoạn được chọn phải là đoạn ở lưng chừng. Sau khi đã chặt bỏ hai đầu mắt, người ta sẽ dùng lá để nút lại khi đã cho gạo nếp cùng ít nước suối trong vắt vào. Phần gạo nếp này phải là loại nếp dẻo, màu trắng, có hương thơm đậm. Người dân trong vùng thường dùng nếp tan để làm ra món cơm lam vì nó có đủ các yêu cầu khắt khe đó.
Chỉ cần nghe mùi nứa ngô lẫn trong mùi thơm của nếp quanh lò nướng là đã muốn được cắn ngay một miếng cơm vừa chắc, vừa bùi mà lại vừa ngọt đến ngây lòng.
4. Các món nướng trong ống lồ ô
Nghệ thuật nấu nướng với ống lồ ô vốn bắt nguồn từ người Ba Na. Tất cả nguyên liệu như thịt, cá, rau củ, hay cà đắng… đều được đem nướng ở trong những ống lồ ô độc đáo đã cho ra các món ăn ngon mà không nơi nào có được.
Thông thường, người ta sẽ đem trộn phần cá phi lê cùng các loại thịt gia súc, gia cầm với các loại rau rừng, cà đắng, hay cà tím thái nhỏ vàcác gia vị vào với nhau rồi đem nhồi tất cả vào trong ống, sau đó mang đi nướng trên lửa than. Riêng với các loại thịt thì phải được sơ chế bằng cách thui trước khi thái nhỏ để cho vào ống. Đây là một cách chế biến độc đáo mà chỉ có dịp đến Kom Tum mới có cơ hội trải nghiệm thú ẩm thực này.
5. Thịt chuột đồng
Ở huyện Đăk Glei, người Jẻ – Triêng có món ăn mà chỉ nghe tên thôi cũng thấy giật mình là món thịt chuột nướng và chuột gác bếp. Nhưng khi thưởng thức sẽ thấy thật tuyệt và khác lạ.
Chuột đem về được thui nhanh qua đống rơm cháy lớn để làm trụi lông. Với cách làm này, thịt chuột vừa thơm lại vừa giữ được độ ngọt sau khi đã trải qua nhiều khâu làm sạch từ cạo lông, bỏ lông đến xát đều muối. Khi đã có được phần thịt sạch thì sẽ xiên qua que tre rồi đem nướng trên than hồng. Món này được ăn kèm với xoài rừng, rau dớn nướng ống le cùng muối tiêu rừng sẽ rất ngon.
6. Cá tầm
Đến với vùng cao nguyên Măng Đen, du khách sẽ tha hồthưởng thức món cá tầm đắt giá với toàn bộ xương đều là sụn, cùng phần thịt cá trắng muốt, dai dai và béo ngậy. Cá tầm được chế biến với nhiều món ngon từ chiên, hấp, um, sấy… món nào cũng khiến du khách mê mẩn.
7. Cá gỏi kiến vàng
Người Rơ Măm ở huyện Sa Thầy có món gỏi kiến vàng cực kỳ độc đáo. Để làm ra món ăn này, người ta ra suối bắt loại cá vừa, không quá to, cũng không quá nhỏ, sau đó mang về băm nhuyễn. Muốn cá không bị tanh thì đem vắt hết nước của cá. Với kiến vàng, chỉ chọn loại kiến non để không có vị ngái và đặc biệt là trong tổ kiến luôn có cả trứng kiến.
Từ phần cá, kiến cùng trứng kiến, người ta đem trộn tất cả với ít gạo rang hơi cháy, muối hột, ớt xanh và tiêu rừng để làm ra món cá gỏi trứng kiến. Khi ăn, cuộn gỏi vào với lá sung sẽ cảm nhận được đầy đủ vị cay xé lưỡi của tiêu, ớt và cả vị béo của kiến và vị ngọt của thịt cá. Cá gỏi kiến vàng là một trong những đặc sản hấp dẫn của Kon Tum được nhiều du khách yêu thích.
8. Dế chiên Kon Tum
Từ lâu dế chiên đã trở thành món ăn phổ biến của người Kon Tum. Họ chọn dế cơm để món ăn được thơm ngon hơn. Sau khi bắt dế về, người ta rửa sạch rồi để ráo và chiên giòn trong chảo dầu sôi ngập. Cuối cùng sẽ trộn đều với lá chanh, sả băm, ớt, tiêu và rang đều lại một lần nữa. Món dế chiên là sự kết hợp hài hoà giữa độ giòn tan cùng vị beo béo tự nhiên của dế với vị thơm của các loại lá.
9. Thịt nhím
Thịt nhím vốn đã bổ nhưng qua bàn tay khéo léo của người Brâu lại càng ngon hơn. Họ có thể nướng thịt nhím trên than hồng, gói lá dong hay ninh canh, nhồi vào ống lồ ô để nướng… Món nào cũng ngon bởi thịt nhím có vị ngọt tự nhiên, chắc, thơm và có lớp bì dày, giòn, nhai rất thú.
10. Rượu cần
Nhiều người vẫn đánh giá thứ rượu cần Ba Na thuộc vào hạng thơm ngon nhất trước khi kể đến rượu của người Xơ đăng hay Ê đê. Người ta sẽ chọn loại thóc ngon, đem vo sạch, rồi ngâm nước và trộn với men, sau đó cho vào ché, bịt lá chuối thật chặt, để sau năm đến sáu ngày sẽ mang ra dùng.
Từ già, trẻ, trai, gái đều ngồi quanh ché rượu cần và uống rượu bằng cần để thắt chặt tình cảm xóm làng, thân hữu với nhau. Đây cũng chính là nét văn hoá mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.