Đến với vùng đất Gia Lai, du khách sẽ không chỉ có cơ hội thưởng ngoạn những khung cảnh đậm chất núi rừng Tây mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản hấp dẫn không nơi nào có được. Hãy khám phá 10 món ăn nổi tiếng của Gia Lai ngay thôi!
1. Cơm lam
Cách làm món cơm lam khá đơn giản, chỉ cần ống nứa (hay vầu, lồ ô) tươi có một đầu đã bít lại, sau đó cho gạo nương đã ngâm vào. Tiếp tục đổ nước, rồi dùng lá dong hoặc lá chuối rừng sẽ nút chặt lại,sau đó đặt lên bếp lửa cháy và chờ đến khi cơm chín. Người nướng phải khéo léo để cơm không bị sống hoặc bị nhão.
Khi cơm chín sẽ được xếp ra gọn gàng và thực khách nên dùng ngay khi vẫn còn ấm nóng. Chỉ cần tước nứa ra thành nhiều phần, bẻ khúc cơm rồi chấm với muối sả lá é ớt rừng, cũng có thể dùng kèm với miếng thịt gà nướng sẽ càng làm tăng thêm hương vị của món cơm.
2. Phở Khô (phở hai tô)
Phở khô là món ăn đặc trưng của Gia Lai. Món này còn có tên gọi khác là phở hai tô vì khi thưởng thức, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, gồm có bánh phở và nước súp.
Bánh phở được làm từ bột gạo cay, có sợi nhỏ, săn, mịn, và khi trụng nóng sợi phở sẽ mềm dai. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không bị nát hay vón cục để khách dễ thêm tương nâu, xì dầu hay tương ớt ăn kèm. Tô phở khô nhất định không thể thiếu thịt heo bằm nhỏ, gà xé sợi cùng hành khô phi giòn. Còn tô nước lèo phải gồm nước ninh gà, thịt bò tái hay bò gân, bắp hoặc bò viên tùy theo khẩu vị mỗi người. Rau sống ăn kèm với phở khô là xà lách, húng quế và giá trụng
3. Mật ong rừng Gia Lai
Mật ong Gia Lai có vị ngọt thanh, màu vàng sậm, và người ta thường dùng mật ong như một vị thuốc trong đông y. Màu vàng óng ánh, đặc quánh, có độ kết dính cao, với mùi thơm có màu vàng nhạt trông rất trong. Dùng một que tre sạch và khuấy đều lên, nếu trong mật ong có trộn lẫn các chất khác thì sẽ thấy màu đục hiện lên, còn nếu là mật ong chính hiệu sẽ không có hiện tượng ấy.
4. Bún mắm cua
Nguyên liệu để tạo ra món bún mắm cua rất đa dạng gồm cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hay nem, da lợn chiên giòn, và bánh phồng tôm, các loại gia vị ớt, mắm nêm, cùng rau ăn kèm như giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới… Cua đồng là một thành phần chủ đạo của món ăn này nên người bán thường lựa chọn cua rất kỹ càng.
Bún mắm cua khá kén người ăn vì mùi vị đặc trưng của nó. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nguyên chất cùng nước cua lên men. Bún mắm cua có vị mặn của mắm, vị thơm của các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, cùng vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da lợn… tất cả hòa quyện với nhau đã tạo nên món ăn rất hấp dẫn.
5. Măng chua rừng
Măng chua cũng là một món ăn khoái khẩu của đồng bào dân tộc. Măng tươi được giã dập với ớt rồi đem ủ trong chộ sành, khoảng hai thì măng chua đến độ vừa dùng. Miếng măng giòn tan, cả nước và cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua dùng nấu với cá trê, hay măng chua nấu gà khiến thực khách ăn quên no…
6. Muối kiến vàng
Loại muối kiến vàng độc nhất vô nhị là món ăn độc đáo của Gia Lai được làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa. Khi nhìn, có thể nhiều người lắc đầu nguầy nguậy nhưng nếu đã nếm qua hương vị này một lần thì sẽ hiểu vì sao, đến với Gia Lai nhất định phải mua muối kiến vàng về làm quà hoặc để ăn dần.
Để làm món muối này, người dân phải đi tìm bắt kiến vàng sống sâu trong rừng. Sau đó, đem rang sơ và giã với ớt cay thật cay, thêm vài loại lá rừng, cùng muối hột đã trở thành một thứ chấm thịt nướng tuyệt vời. Vị mặn riêng của kiến cùng axit trong bụng chúng chua chua như muối và chanh kết hợp với cái cay của ớt, vị hăng hăng của thân kiến cùng nhiều loại lá lạ, rất cuốn hút.
7. Cà phê Pleiku
Cà phê Pleiku đã trở thành thói quen mỗi sáng với tách cà phê đậm đặc, vừa nóng vừa thơm, với vị đắng ở đầu lưỡi tan dần thành vị ngọt đắng là cảm giác của người phố núi khi thưởng thức. Hơn nữa, hoa cà phê thơm ngào ngạt sẽ níu chân du khách khi đi ngang qua những trang trại cà phê bạt ngàn ở Gia Lai.
8. Bún mắm nêm
Bún mắm nêm là món ăn dân dã của người dân phố núi Pleiku, gồm có bún và mắm cùng ít rau sống. Tuy đơn giản, nhưng với những người đã từng thưởng thức món ăn này sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, đậm đà mà nó đem lại.
Một bát mắm đầy đủ với rau sống được xếp dưới cùng, bên trên là bún tươi, sau đó đến thịt luộc, chả, nem, ít dưa leo cùng với chén mắm nêm, khi thưởng thức chan mắm nêm vào tô bún rồi trộn đều, trộn đến đâu, mùi mắm nêm sẽ thơm nức bốc lên, kích thích vị giác của thực khách, tạo cảm giác muốn ăn ngay.
9. Bò một nắng
Bò một nắng thường tập trung ở phố núi Krông Pa, một huyện ở cửa ngỏ miền núi tỉnh Gia Lai nằm sát cạnh cao nguyên Sơn Hoà của Phú Yên. Cao nguyên Sơn Hoà lại là đồng cỏ chuyên chăn nuôi bò nên món bò một nắng nơi đây đã gặp đúng “địa lợi, nhân hoà” để phát triển. Miếng bò mang hương vị của núi rừng trầm mặc đã trở nên đậm đà và phong phú bởi hơi hướm mặn mà của khẩu vị xứ biển. Sự giao hoà giữa miền núi và miền xuôi đã thành cái tên “bò một nắng hai sương”.
10. Lẩu lá rừng
Mỗi loại lá để làm món lẩu rừng đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không hề có độc tố và không phản ứng lẫn nhau. Lẩu lá rừng là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào các dân tộc bản địa đã được đúc kết. Mỗi loại lá lại chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt với sức khoẻ.
Cùng với các loại lá thì mắm thịt cùng nem thính được cuốn vào lá. Vị cay nồng của lá tươi cộng với vị đậm đà của mắm thịt, vị khô của nem thính mang lại cho thực khách nhiều cảm giác lạ.