Không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Đắk Lắk còn có nhiều món ăn đặc sản đậm chất núi rừng hoang sơ. Cùng khám phá 10 món ăn nổi tiếng của Đắk Lắk ngay sau đây nhé!
1. Thịt nai
Thịt nai món đặc sản hấp dẫn của Đắk Lắk, và cũng là món đặc trưng chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ có ít gân, mỡ màu trắng ngà và mềm hơn cả thịt bê non. 7 món được chế biến từ nai mang lại những hương vị bất ngờ như nai nướng, nai xào làn, hay nai nhúng giấm nai lúc lác, sườn nai rán, cháo bao tử và nai khô. Nhưng nai nướng, cùng nai nhúng giấm và nai khô là những món tiêu biểu nhất.
2. Gà nướng Bản Đôn
Đến thăm Bản Đôn du khách sẽ được thưởng thức món gà nướng tuyệt ngon. Để có những con gà nướng ngon và làm hài lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu từ việc nuôi chọn gà đến cách làm món riêng.
Trước hết, gà phải là giống gà thả vườn chính hiệu. Gà được chọn nướng là những con mới lớn, độ chừng hơn 1kg. Gà sẽ để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi đem ướp muối ớt, nước sả cùng ít mật ong rừng. Để ăn gà nướng ở Bản Đôn đúng kiểu thì phải chấm thịt gà với muối ớt hay muối sả. Muối dù loại nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt cùng ớt rừng xanh, loại ớt này mọc hoang ở ngoài vườn, ăn rất giòn và thơm hấp dẫn.
3. Cá bống thác kho riềng
Cá bống thác kho riềng là một món ăn có tính truyền thống của đồng bào các dân tộc tại Đắk Lắk. Cá bống ở Tây Nguyên sống ngay trong dòng thác đổ. Loại cá này chỉ thích nghi với môi trường nước được đổ từ trên cao xuống, mình cá bé và trắng, thân tròn và săn chắc như ngón tay.
Cá còn tươi nguyên được xả cho sạch nhớt trên mình, rồi bỏ vào ít muối ướp cho cứng lại, sau đó lấy riềng rửa sạch và giã nhỏ. Bắc chảo lên bếp cho nóng, rồi cho vào đó ít dầu ăn, hoặc mỡ đun sôi và cho cá vào chiên vàng, đổ riềng đã được chuẩn bị sẵn. Mùi riềng cùng mùi cá bốc lên thơm ngào ngạt, đợi cho riềng với cá quyện vào nhau, mới cho mắm muối cùng các gia vị hành, tiêu, ớt, đường, bột ngọt để tạo độ vừa ăn. Khi du lịch Đắk Lắk mà quên thưởng thức món cá bống thác kho riềng thì đúng là một thiếu sót lớn đối với du khách.
4. Gỏi lá rừng
Gỏi lá rừng được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng có những loại phải tìm kiếm từ núi rừng Tây Nguyên mới có. Mỗi loại lá có một tác dụng chữa bệnh khác nhau.
Theo nhiều người dân ở phố núi thì ăn gỏi lá nhiều rất tốt, bởi hầu hết đây đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh như tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào sẽ có thể chữa bệnh.
5. Cá lăng
Cá lăng là một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân Tây Nguyên. Đây là loài cá nước ngọt, thuộc vào bộ cá da trơn, có nhiều ở sông Sêrêpôk. Cá có vị ngọt, béo và thơm ngon nên được nhiều thực khách ưa chuộng.
Người ta thường chế biến cá lăng thành món chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hoặc cá lăng nấu cháo… món nào cũng rất thơm ngon. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là lẩu cá lăng nấu canh chua, món ngon giúp giải nhiệt, bổ dưỡng.
6. Cơm lam
Cơm lam được coi là món ăn của núi rừng bởi chắt lọc trong đó là vị ngọt của dòng suối mát trong cùng hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Để làm được cơm lam ngon cần sự tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Đầu tiên phải chọn cây nứa ngô vẫn còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa rồi phạt đi đầu mặt và dùng lá nút lại, chất củi xung quanh đốt cho đến khi sôi. Gạo nếp làm cơm lam phải chọn loại nếp trắng, dẻo và thơm. Ngâm gạo, rồi vo sạch, sau đó rắc ít muối trộn đều rồi cho vào ống lam, cùng dòng nước suối trong vắt sẽ tạo nên một món cơm lam mang hương vị đặc biệt của núi rừng, có thể làm say lòng người thưởng thức.
7. Heo rẫy nướng
Heo rẫy là loại heo được đồng bào nuôi kiểu chăn thả tự nhiên. Món heo nướng cao nguyên và heo nướng muối ớt đều mang đến mùi thơm gốc rễ vì có chung mấy loại gia vị tẩm ướp cơ bản là củ nén, ngò gai, và gốc mùi, sả, ớt.
Món nướng cao nguyên thì chặt nhỏ rồi xiên tre, còn món nướng muối ớt thì nướng nguyên cả con rồi dùng dao xẻo tại bàn. Bí quyết heo nướng để lâu vẫn giữ được độ óng ả giòn thơm là dùng sô-đa đánh tan mạch nha cùng nước cốt chanh, phết nhiều lớp lên da và quay đều trên bếp than hồng.
8. Măng le
Cây le thuộc vào họ tre nứa khá điển hình trên vùng đất ba dan. Cây le có sức phát tán rất mạnh mẽ, sức sống dẻo dai đến lạ kỳ. Măng le thuộc loại ngon nhất trong các loại măng như măng tre, măng trúc… bởi tính đặc ruột, có vị ngọt, bùi và không đắng chát.
Với măng tươi có thể chế biến thành món đơn giản nhưng lại đầy hương vị là gỏi măng trộn hay măng le nấu vịt, măng le hầm giò heo, hoặc măng le xào gan đều rất ngon. Măng le khô củng rất ngon như măng áo tơi, măng lưỡi lợn gốc nứa, hay vẩu, mai hương vị rất độc đáo. Vào các buôn mà được mời bữa cơm gạo nương ăn cùng măng le nấu với thịt nai khô có kèm muối đâm lá bép ớt sẽ không bao giờ quên.
9. Cá tiến vua
Sông Sê San hùng vĩ với thác ghềnh chứa trong lòng là những thủy sản quý hiếm, đặc biệt có loài cá anh vũ tiến vua. Thịt cá tiến vua chắc nhưng vẫn mềm mại, trắng thơm, thường được chế biến thành món nướng mọi, nướng muối ớt, hấp, hay nấu lẩu măng chua. Hấp dẫn hơn cả là món cá chiên giòn với gừng.
10. Rượu cần
Rượu cần là một đặc sản nổi tiếng Đắk Lắk, đây là thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết và thương yêu không có chuyện chén chú, chén anh, chén ông, chén bác… Mọi người cùng uống với nhau chung một cần, trẻ, già, trai, gái đều nhâm nhi.