Những món đặc sản của Bình Phước không xa hoa đắt đỏ mà lại vô cùng dân dã, bình dị song vẫn khiến người ta khó lòng quên được. Cùng khám phá 10 món ăn nổi tiếng của Bình Phước níu chân du khách khi đến đây nhé!
1. Gỏi hạt điều
Một trong những đặc sản nổi tiếng của Bình Phước được ưa thích là gỏi hạt điều. Bình Phước là quê hương của điều nên nó thường xuyên được dùng để làm gỏi. Nguyên liệu của món gỏi hạt điều gồm có hạt điều, tôm, cà rốt, dưa leo, bóng bì, cần tàu, ớt cùng các gia vị.
Đầu tiên hạt điều được tách đôi, dưa leo, cà rốt, ớt thái sợi, cần tàu cắt khúc. Ngâm mềm bóng bì, rồi cho vào chảo dầu nóng, đảo sơ. Tôm lột vỏ và bỏ chỉ đen ở lưng, luộc sơ. Trộn đều ớt sừng, cà rốt, dưa leo, cần, tôm, bóng bì cùng với nước trộn gỏi, cho hạt điều vào là đã có thể thưởng thức.
2. Bánh hạt điều
Nguyên liệu chính để làm bánh hạt điều là hạt điều, bột nổi, và bột quế, trứng gà, đường, bột mì, thêm một chút dầu ăn. Bánh hạt điều khi chín sẽ có màu vàng của trứng, màu trắng của bột, cùng với mùi thơm và vị giòn tan của hạt điều, mùi thơm của bột quế, vị ngọt của đường, thêm vị béo của dầu ăn rất hấp dẫn.
3. Hạt điều rang muối
Hạt điều rang muối luôn được ưa chuộng bởi độ ngon quyến rũ của nó. Hạt điều rang muối Bình Phước được giữ nguyên vỏ lụa vì thế vị ngọt và hương thơm đậm đà hơn, độ giòn của hạt lại giữ được lâu hơn.
4. Đọt mây
Đọt mây là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người đồng bào dân tộc S’Tiêng ở Bình Phước. Đọt mây nướng dưới than củi hồng có mùi thơm thơm, ngầy ngậy.
Ăn đọt mây, thực khách sẽ cảm thấy ở cổ họng vị đăng đắng xen ngọt và mát. Chấm đọt mây với muối ớt the nồng, thêm chút chanh là đã tìm được ngũ vị tinh túy trên đời. Không chỉ vậy ăn đọt mây còn trị được chứng chướng bụng, đầy hơi và giải rượu.
5. Ve sầu sữa chiên giòn
Ve sầu sữa chiên giòn là món ngon đặc biệt của Bình Phước. Người dân ở đây sau khi bắt ve về sẽ bỏ ve vào túi ni – lông rồi bịt kín lại, sau đó mang đi chiên giòn.
Món ve sầu chiên giòn thường ăn kèm với rau sống và nước mắm chấm tỏi ớt. Những con ve vàng óng, béo ngậy, giòn tan cùng hương thơm rất cuốn hút và hấp dẫn.
6. Lá nhíp
Lá nhíp xào cùng với các loại thịt thú rừng là món ăn rất được ưa thích của người dân ở Bình Phước. Lá nhíp dẻo, ngọt, và bùi khi ăn chung với thịt gà hay bò xé miếng nhỏ đều ngon.
7. Heo thả rong
Heo thả rong là đặc sản của sóc Bom Bo ở huyện Bù Đăng được nhiều du khách biết đến. Đây là loại heo được nuôi bán hoang dã nên hoàn toàn không dùng thức ăn chế biến, bởi vậy chất lượng thịt ngon, ít mỡ.
8. Cơm lam
Để nấu cơm lam, đồng bào dân tộc Bình Phước thường chọn ống lồ ô hay ống tre non. Vì những ống non thân chứa nhiều nước khi nấu sẽ ít bị cháy và nước trong ống sẽ thấm vào cơm để tạo thêm hương vị đặc trưng cho món ăn.
Cơm lam thường được ăn cùng với thịt gà, thịt lợn nướng và chấm với muối bột giã nhuyễn cùng ớt hiểm. Ngoài ra ở Bình Phước cơm lam còn được ăn kèm với canh thụt – một món ăn trứ danh của người S’tiêng đã tạo nên hương vị và cách thưởng thức rất riêng và độc đáo.
9. Rượu cần
Nếu cồng chiêng được xem là ngôn ngữ để con người giao tiếp với thiên nhiên, thì rượu cần lại là phương tiện để người S’tiêng gần nhau, hòa nhập, trao đổi với nhau. Rượu cần S’tiêng không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó còn gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, đặc biệt là không thể thiếu trong lễ hội và những nghi lễ có tính dấu mốc của đời người…
10. Canh thụt
Canh thụt là món ăn truyền thống của người S’tiêng. Canh thụt dùng nguyên liệu chế biến gồm có thịt heo có mỡ hoặc cá, tôm, cua, lòng gà cùng rau nhíp non, các loại cà, mướp non,hay rau lang, măng rừng… Các nguyên liệu này sẽ được đưa vào ống tre, ống nứa , sau đó cho bột ngọt, muối, ớt cùng với nước vào trong ống, rồi lấy lá bịt đầu ống lại. Sau khi đã hoàn thành các bước thì đem nướng trên than hồng khoảng 25-30 phút là chín. Bước cuối cùng là lấy một que cây đưa vào ống thụt để cho các nguyên liệu nhuyễn rồi đổ ra tô thưởng thức.
Húp một miếng canh thụt sẽ có cảm giác thơm ngậy, ngọt bùi, đượm mãi ở nơi vòm họng. Chính vì thế món canh này vẫn thường được coi là “đệ nhất ẩm thực miền sơn cước”.