Bình Dương là vùng đất không những có nhiều điểm du lịch hấp dẫn mà còn rất phong phú đặc sản ẩm thực cùng các loại trái cây. 10 món ăn nổi tiếng của Bình Dương được giới thiệu dưới đây sẽ khiến du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm nơi này.
1. Hạt điều rang muối
Hạt điều rang đã trở thành một nét quen thuộc, đặc sản độc đáo và giàu giá trị dinh dưỡng của tỉnh Bình Dương. Hạt điều Bình Dương có vị ngọt, bùi, béo ngậy rats tốt cho người bị suy nhược cơ thể, đau họng, phong hàn.
2. Bánh bèo bì chợ Búng
Để có món bánh bèo bì ngon thì kỳ công nhất là khâu chế bì. Hỗn hợp thịt heo và da heo ram cắt mỏng được trộn với thính, rồi cho thêm gia vị, tỏi. Thịt heo phải chọn loại thịt đùi ngon, bọc da, rang vàng rồi hầm cùng với nước dừa cho ngấm để thịt có vị ngọt và mềm.
3. Gà quay xôi phồng
Để có món xôi ngon thì người ta phải chọn loại gạo nếp đặc biệt, sau khi đã đồ chín cho xôi vào chiên vàng trong chảo dầu nóng. Món này ăn kèm với gà quay chín thơm.
4. Bò nướng ngói
Bò nướng ngói khá phổ biến ở nhiều nơi nhưng bò nướng ngói ở Bình Dương lại đặc biệt và ngon hơn cả. Thịt bò sau khi đã nướng vẫn giữ được mùi thơm, ngon không mất đi hương vị của nó.
Món ăn này được ăn kèm với bánh tráng cùng các loại rau thơm như lá tía tô, chuối chát thái lát, ngải cứu,và khế chua, dưa leo… chấm với mắm nêm. Bò nướng ngói có vị ngọt của thịt bò, với vị chát của chuối, vị cay hăng của lá ngải cứu, tía tô và vị chua của khế hòa quyện cùng mùi thơm của mắm nêm sẽ làm tan chảy vị giác của thực khách.
5. Bún tôm
Bún tôm là món ăn độc đáo của Bình Dương mà không nơi nào có được. Bún ở đây được làm ngay tại chỗ, khi khách ăn chủ quán mới bắt đầu ép bột gạo để hấp và làm ra những sợi bún nhỏ, tươi, mềm mại và trong vắt. Tôm được dùng cũng phải là những con tôm tươi sống có thịt chắc và ngọt. Món này được ăn kèm với bánh đa nướng. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của tôm cùng mùi thơm đậm đà.
6. Bún riêu lưỡi
Lưỡi heo được cuộn tròn và chế biến giống với thịt xá xíu, dọn ra đĩa chấm cùng mắm tôm được pha chế như mắm tôm chấm đậu phụ. Du khách có thể thưởng thức đĩa lưỡi riêng hoặc trộn chung với bún. Khi ăn sẽ thấy lưỡi mềm, dẻo, một chút dai dai hòa quyện cùng vị mặn, chua, cay đặc trưng của mắm tôm đã tạo nên một hương vị rất riêng.
7. Măng cụt Lái Thiêu
Măng cụt được coi là trái cây “vua” của miệt vườn Thuận An. Măng cụt được trồng ở đây có vị ngọt pha lẫn chút vị chua dịu, thịt trái măng mềm và mịn. Ngoài ăn tươi thì măng cụt còn dùng để làm gỏi, hay chế biến thành sinh tố, hoặc kem phục vụ cho khách khi đến với vườn Lái Thiêu.
8. Gỏi măng cụt
Khác với các loại gỏi thông thường, gỏi măng cụt có vị riêng cùng cách chế biến cũng rất riêng. Người ta sẽ lựa những trái măng cụt vỏ còn xanh nhưng ruột bên trong vừa chín tới để món ăn giữ được độ giòn, độ ngọt và có vị chua vừa phải.
9. Lẩu bò nhúng mắm ruốc
Lẩu bò nhúng mắm ruốc là món ăn đặc trưng của Bình Dương. Món ăn này có hương vị đậm đà của mắm ruốc cùng mùi thơm của sả, tóp mỡ. Điểm nhấn của món ăn này chính là mắm ruốc và nước lèo được nêm nếm rất vừa khẩu vị của thực khách. Lẩu bò nhúng được ăn cùng với bún, rau, thịt bò, và nước lèo chan vào.
10. Nem Lái Thiêu
Nem Lái Thiêu được làm theo lối thủ công truyền thống, thịt làm nem phải chọn thịt nạc đùi tươi ngon, lược bỏ hết gân mỡ, sau đó xắt lát to, rồi lau khô và cho vào cối quết nhuyễn, ướp muối rang, đường, bột ngọt, gia vị thích hợp. Phần da heo luộc vừa chín, để cho ráo và xắt thành sợi nhuyễn. Mỡ gáy luộc chín, để ráo rồi xắt thành sợi nhỏ, đem ướp đường để mỡ được trong. Phi tỏi với mỡ cho vàng, vớt bỏ xác tỏi, lấy phần mỡ nước để nguội. Sau đó cho tất cả hỗn hợp các thành phần đã chuẩn bị vào thau trộn thật đều.
Lá vông, lá chuối lau sạch dùng để gói ruột và vỏ nem. Nặn thịt nhuyễn thành miếng nem hình khối vuông, cho thêm vào đó một hạt tiêu, một lát tỏi, ớt rồi gói ruột nem lại bằng lá vông để hút nước và dễ lên men thơm. Vỏ bên ngoài được gói bằng lá chuối hột rồi cột hình chữ thập bằng dây lạt kết 10 chiếc thành xâu nem. Để sau ba ngày là nem có thể dùng được.