Đến với Bình Định vùng đất nổi tiếng với truyền thống thượng võ, du khách không những được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp của nơi đây mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản vô cùng hấp dẫn. Cùng khám phá 10 món ăn nổi tiếng của Bình Định được giới thiệu dưới đây nhé!
1. Bún chả cá Quy Nhơn
Điểm đặc biệt món bún chả cá Quy Nhơn là phần chả cá là được làm từ những con cá thu mập mạp, bóng bẩy và thịt ngọt, khi chế biến phải quết sao cho miếng bánh chả láng mịn, tròn dày độ vừa phải, cùng với nước lèo được nấu từ xương và đầu cá thu, trong veo mà lại ngọt tự nhiên.
Chả cá ngon mới mang lại món bún chả cá nổi tiếng đất Quy Nhơn. Đó là sự kết hợp hài hòa của chả cá, sợi bún,cùng nước lèo và nước chấm. Sợi bún nhỏ có khả năng đánh lừa cảm giác rằng ăn chưa nhiều và muốn ăn thêm nữa, nước lèo không tanh mà lại có mùi thơm của củ hành tím đã nướng qua lửa cùng vị thanh thanh của đường phèn.
2. Bánh xèo tôm nhảy
Đây là món bánh dân dã mà rất nhiều người yêu thích, bánh xèo được làm từ bột gạo có quyện một chút bột nghệ cùng với nước cốt dừa. Phần nhân gồm có tôm đất nhỏ nhưng chắc thịt. Đĩa bánh xèo dọn ra mang sắc màu vàng của nghệ, màu trắng phau của giá cùng màu đỏ của tôm và màu xanh của rau hòa quyện thành một món ăn ngon, đẹp mắt. Ăn món này đúng cách là phải đặt bánh xèo trên một chiếc bánh tráng rồi cuốn cùng với rau mầm và xoài chua rồi chấm ngập vào chén nước mắm.
3. Bánh hỏi Diêu Trì
Bánh hỏi là đặc sản nổi tiếng của Bình Định, nhưng phổ biến và ngon nhất là ở Diêu Trì. Gạo tám thơm được vo thật kỹ rồi ngâm nước qua một đêm, sau đó vớt gạo rồi đem xay nhuyễn bằng cối đá.
Nét đặc biệt của bánh hỏi Diêu Trì là khi thưởng thức có thêm hai món nữa là cháo và lòng. Cháo khá loãng, được nấu bằng huyết ninh với thịt nạc băm. Cháo vừa ngọt lại vừa thơm. Lòng heo được chế biến rất khéo, có lẽ không nơi nào sánh bằng. Những miếng gan dày cùng miếng dồi màu nâu khoanh tròn bên cạnh những miếng tim deo dẻo, miếng cổ dai giòn. Những thứ này dùng ăn kèm với bánh hỏi, khiến bánh hỏi trở nên béo bở và ngon ngọt khác thường.
4. Chình mun Châu Trúc
Cá chình thuộc họ nhà lươn, chạch nhưng lớn hơn, có ở những vùng cửa sông, cửa biển, hay đầm phá nước lợ, các hồ nuôi tôm dọc bờ biển khu vực miền Trung và ở Bình Định. Đặc biệt, cá chình mun chỉ có ở đầm Trà Ổ hay còn gọi là đầm Châu Trúc của huyện Phù Mỹ. Gọi là chình mun vì da nó đen chũi như gỗ mun, nổi tiếng là thơm, ngon và có giá trị bổ dưỡng cao.
Cá chình nấu măng hoặc nấu với lá giang là món ăn có tính chất giã rượu. Cách nấu cũng giống như nấu canh cá thông thường nhưng cho rất ít nước và hầm kỹ để vị ngọt từ xương cá chình tiết ra. Chỉ cần một vài thìa nhỏ nước hầm chình ngọt lừ không cần phải nêm đường hoặc bột ngọt là đã đủ để khách cảm nhận được cái ngon của con chình mun nức tiếng là sản vật quý hiếm của Việt Nam.
5. Cá chua Phù Cát
Cá chua có thịt rất thơm ngon, càng nhai kỹ lại càng cảm nhận nhiều vị ngọt của miếng cá. Cá còn nhỏ thì chất thịt chưa thật đậm đà nhưng phần da cá và phần đầu lại rất quyến rũ. Nếu được một lần thưởng thức, ai cũng sẽ phải xuýt xoa khen ngon, có thể ăn mãi mà không thấy chán miệng.
6. Bún song thằn
Tên gọi song thằn là vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún thành từng đôi một. Bún song thằn nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc biệt và có giá trị dinh dưỡng cao vì được làm từ đậu xanh. Đậu xanh đem phơi nắng cho thật khô rồi ngâm nước lạnh khoảng 24 giờ cho nở đều mới xay. Bún song thằn thường dùng để nấu cùng với tôm, thịt nạc, ăn rất ngọt và mát.
7. Cua huỳnh đế Tam Quan
Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan đã được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua. Mang trên mình bộ áo giáp rất dày và cứng, có màu vàng rực như hoàng bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân và càng to, cạnh sắc như dao, loại cua này xứng đáng được gọi là loài cua mang chữ “đế”.
Cua huỳnh đế rửa sạch rồi tách mai, sau đó chặt ra từng miếng nhỏ và um mặn để ăn với cơm thì thật tuyệt. Chỉ cần chan muỗng nước cua um thôi đã thấy thơm lựng rồi,. Có lẽ món cua hấp chấm muối ớt mới làm cho người ăn tận hưởng được hết vị ngọt ngào của thịt cua huỳnh đế.
8. Chim mía Phú Phong Tây Sơn
Đồng mía Tây Sơn ngút ngàn màu xanh là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở. Đó là loại chim nhỏ giống như chim sẻ, có màu lá úa thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và độ đầu xuân. Chim mía Phú Phong là một món đặc sản nức tiếng ưa chuộng của du khách khi đến thăm quê hương đất võ Tây Sơn.
Chim mía nướng nóng giòn chấm cùng muối tiêu chanh thì thơm ngon phải biết. Muốn ăn đúng món chim mía thì phải tinh ý chọn những con đầu nhỏ, có mỏ ngắn. Chim rán xong vẫn còn đủ cả đầu, mình, chân, và cánh thơm lựng. Cắn một miếng thôi đã có ngay cái cảm giác tổng hợp là dai dai của thịt, giòn giòn của xương, và béo béo của da, với vị ngọt đằm không lẫn vào đâu được.
9. Cá niên An Lão
An Lão là nơi sinh sống của loài cá niên phóng khoáng. Cá niên chỉ cư ngụ ở nơi nước chảy xiết, trong veo, và thức ăn duy nhất là rêu đá dưới chân thác. Đây là loài cá của núi rừng, vừa dũng mãnh lại vừa thanh tao, mình trắng đẹp. Cá không cần chế biến gì, chỉ cần đem nướng một loáng, đến khi có mùi thơm lừng là được.
Khi ăn, chấm cùng với muối giã ớt xanh,cho thêm vài giọt chanh và vài lát cà chua kẹp rau thơm. Cá càng nhỏ, ăn sẽ càng tuyệt. Ăn cá niên nướng ngon nhất là dùng tay gỡ thịt cá hoặc cầm nguyên cả con chấm muối mà ăn.
10. Rượu Bàu Đá
Rượu Bàu Đá là một đặc sản trứ danh của người Bình Định nói chung và của làng Bàu Đá nói riêng, đây là niềm tự hào của người dân đất võ.
Rượu Bàu Đá ngon là do được dùng nguồn nước trong bàu (ao nước) để nấu, nước lấy trong bàu để nấu sẽ cho ra một sản phẩm rượu vô cùng ngon mà những vùng khác của Bình Định không thể có.