Được biết đến như là kinh đô thứ hai của nhà Trần, Nam Định đang là nơi thu hút du khách với hàng loạt cung điện, thành quách ghi dấu một thời vàng son. Hãy đến với 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Nam Định ngay sau đây.
1. Thành cổ Nam Định
Khác với thành Gia Định có 8 cửa và thành Hà Nội có 5 cửa, thành cổ Nam Định chỉ có 4 cửa, mỗi cửa lại mở ra các góc nhìn khác nhau với những nét đặc trưng riêng. Đến với thành cổ Nam Định, du khách còn được thưởng ngoạn hàng loạt các công trình phụ bên trong in dấu một thời kỳ phát triển vàng son của thành phố này như Cột cờ, Trường thi, Văn Miếu hay đình Vọng Cung…
2. Chùa Cổ Lễ
Chùa Cổ Lễ ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh là một ngôi chùa có từ xa xưa do thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý sáng lập và được xây từ năm 1920. Hiện nay chùa vẫn giữ được tháp 12 tầng được xây từ năm 1926 – 1927. Đứng từ trên tháp này, du khách có thể ngắm được cảnh đẹp của toàn vùng Nam Định. Ngoài tháp, chùa còn lưu giữ được khá nhiều di vật văn hoá qúy hiếm của thời Lý như đại hồng chung, trống đồng cùng một túi đựng đồng.
3. Khu di tích Phủ Dày
Khu di tích Phủ Dày thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản là nơi thờ bà chúa Liễu Hạnh – một trong “tứ bất tử” của Việt Nam. Phủ Dày gồm có: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng bà Chúa Liễu. Đây không những là nơi thờ thiêng, lưu giữ những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà còn là điểm du lịch hấp dẫn của Nam Định được du khách tìm đến.
Phủ Tiên Hương có từ thời Lê – Cảnh Trị (1663 – 1671). Phủ này có đến 81 gian lớn nhỏ trong tổng số 19 toà và có tất cả 4 cung là đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Các hình họa điêu khắc hết sức tinh vi, bề thế, nơi đây còn có 5 pho tượng từ thế kỷ thứ XIX. Phủ Vân Cát có tất cả 7 toà với 30 gian lớn nhỏ và có ngọ môn phía trước với 5 gác lầu. Trước ngọ môn là hồ bán nguyệt và nhà thủy lâu được đặt giữa hồ. Lăng bà Chúa Liễu xây vào năm 1938, được làm từ đá xanh với những đường nét chạm trổ đẹp. Các cửa đông tây, nam bắc cua phủ đều có trụ cổng đắp nổi hình bông sen. Nhìn lăng từ xa giống như một hồ sen cạn với 60 búp sen hồng nổi bật.
4. Di tích nhà Trần
Di tích nhà Trần ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định là quê hương của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đồng thời cũng là đất tổ của nhà Trần. Toàn bộ khu di tích hơn chục ha gồm có đền Thiên Trường, chùa tháp Phổ Minh, Cố Trạch, nơi thờ các vua Trần và Trần Hưng Đạo.
5. Toà giám mục Bùi Chu
Tòa Giám mục Bùi Chu có từ năm 1885 với các công trình kiến trúc đặc sắc, đây là nơi lưu dấu tích của các giáo sĩ truyền giáo đầu tiên ở khoảng đầu thế kỷ XVIII. Nơi đây lưu trữ nhiều tài liệu giáo hội, nhận nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người tàn tật và những người già neo đơn. Tòa giám mục Bùi Chu còn bao gồm cả các nhà thờ lớn nhỏ trong xã đã làm nên một hệ thống phụng vụ hoàn chỉnh.
6. Bãi biển Thịnh Long
Bãi biển Thịnh Long ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu là một bãi biển đặc trưng với nét đẹp của hàng phi lao thẳng tắp. Mới được khai thác du lịch trong những năm gần đây nhưng bãi biển Thịnh Long đã dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách.
7. Cồn Lu – Cồn Ngạn Nam Định
Cồn Lu – Cồn Ngạn ở huyện Giao Thủy là khu rừng ngập mặn rộng có diện tích khoảng 7.785ha với rất nhiều loài động, thực vật quý hiểm. Nơi đây được đánh giá tiêu biểu cho hệ sinh thái tự nhiên ven biển. Cứ vào tháng 11-12 âm lịch hàng năm, có đến 181 loài chim bay về đây làm nơi về cư trú.
8. Hồ Vị Xuyên
Hồ Vị Xuyên nằm ở phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định là biểu tượng của thành Nam vốn là dấu tích của con sông Vị Hoàng xưa còn lại cho đến ngày nay. Hiện nay, nơi này đã hình thành công viên xanh đẹp, một công trình hài hoà giữa thiên nhiên với nhiều di tích khác. Đặc biệt hơn cả, đây cũng chính là nơi đặt mộ phần của nhà thơ Trần Tế Xương.
9. Vườn quốc gia Xuân Thủy
Tại Nam Định còn có một danh thắng mà du khách không nên bỏ qua là vườn quốc gia Xuân Thủy. Vườn quốc gia Xuân Thủy đã vinh dự được UNESCO trao bằng công nhận thuộc khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đây là điểm du lịch nổi tiếng Nam Định có sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
10. Chợ Viềng
Chợ Viềng xã Kim Thái, huyện Vụ Bản là chợ phiên nổi tiếng của miền Bắc, mỗi năm chỉ họp duy nhất có một lần. Nơi đây có nhiều các mặt hàng là cây trồng, vật nuôi, thực phẩm, đặc sản…
Cảnh mua bán náo nhiệt ở chốn này một phần cũng bởi người bán chẳng bao giờ nói thách và người mua cũng chẳng phải mặc cả. Do vậy, người ta coi việc đi chợ và mua đồ như một cách để cầu may. Đó chính là nét duyên độc đáo mà không phải phiên chợ nào cũng có.
Thu Vân