An Giang chất chứa trong mình nhiều cảnh quan du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Hãy đến với 10 địa điểm du lịch nổi tiếng của An Giang ngay sau đây nhé!
1. Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm mênh mông cứ đến mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch hàng năm lại khoác lên mình chiếc áo xanh mát với vẻ đẹp kiều diễm. Con đường đất đỏ dẫn vào rừng tràm rộng đến hơn 800ha. Hai bên đường là bạt ngàn những cây thốt nốt xõa bóng che đầu và nối tiếp là những đồng ruộng xanh mướt đều được thu vào tầm ngắm của du khách. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của An Giang.
Vào đến rừng Trà Sư, con thuyền nhỏ sẽ đưa du khách rẽ sóng trên những thảm bèo tấm xanh rì. Trong thảm rừng xanh tươi có những con gió nhẹ thổi, không khí trong lành và đâu đó có tiếng chim rừng ríu rít. Ngay tầm tay là mặt đầm xanh rì của bèo tấm, thỉnh thoảng được điểm xuyết với những bông điên điển vàng rực hay những đám súng cây sen đã tạo nét thơ mướt mát của tự nhiên giản dị ấn tượng vô cùng.
2. Chùa Linh Sơn Ba Thê
Chùa Linh Sơn Ba Thê còn có tên gọi khác là Chùa Phật Bốn Tay Núi Ba Thê, nằm ngay dưới chân núi Ba Thê và được xây dựng vào năm 1913, khi cư dân nơi đây phát hiện pho tượng Phật bốn tay cao gần 2 mét nằm sâu trong lòng đất.
Ngoài việc phát hiện được tượng Phật, trước đó người dân còn phát hiện ở Ba Thê có hai bia đá cao gần 2 mét, dày 0,22 mét, và có khắc chữ cổ trên bia. Vì thế dân đã lập chùa để vừa thờ cúng Phật và vừa lưu giữ hai bia đá này.
3. Núi Ba Thê
Nằm ở huyện Thoại Sơn, núi Ba Thê được dùng để gọi chung cho cụm núi ở đây gồm có Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi cùng núi Chóc. Nơi đây rất giàu tài nguyên và có một số loại đá quý như thạch anh ám khói, hay thạch anh tím và đá xây dựng sậm màu hạt thô.
4. Di chỉ Óc Eo
Khu Di chỉ Óc Eo không chỉ là điểm đến du lịch bình thường, mà còn là nơi để mọi người có dịp biết nhiều hơn về những dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước.
Khu Di chỉ Óc Eo đã được người dân tìm thấy khi đào kênh xáng Ba Thê và sau đó được khai quật, bảo vệ và nghiên cứu. Khu vực này khá rộng lớn và gắn với nhiều vết tích về vương quốc Phù Nam giàu có của khu vực Đông Nam Á mấy ngàn năm tuổi. Đây ược xem là thành phố Óc Eo xưa kia. Nền văn hóa này là những điểm sáng quan trọng trong nền văn minh cổ trên đất Việt Nam, đồng thời có mối liên hệ nhất định với lịch sử phát triển của vùng Đông Nam Á xưa kia.
5. Đồi Tức Dụp
Khu di tích lịch sử Tức Dụp nằm ở Tri Tôn có những giá trị về lịch sử gắn liền với hiện tại. Nơi này từng là căn cứ địa của quân dân An Giang trong thời kỳ chống Mỹ với hệ thống hang động trú ẩn tự nhiên rất tốt, bởi vậy Tức Dụp đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì sức sống cách mạng mãnh liệt.
6. Làng dệt thổ cẩm Châu Giang
Nằm ở Phũm Xoài, xã Châu Phong của huyện Tân Châu, làng dệt thổ cẩm Châu Giang hay còn được gọi là làng Thổ cẩm Phũm Soài hoặc làng dệt thổ cẩm Châu Phong.
Dêt thổ cẩm là nghề truyền thống mà mọi phụ nữ Chăm đều thành thạo, họ được học dệt từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành đều trở thành những người thợ dệt khá nhuần nhuyễn. Nguyên liệu để dệt là từ tơ sợi và nhuộm bằng màu tự nhiên của mủ cây, vỏ cây và trái cây đã làm cho màu sắc trên sản phẩm rất bền.
7. Làng người chăm Châu Giang
Cộng đồng người Chăm sống ở An Giang khá nhiều nên đã hình thành những xóm làng xen kẽ với người Kinh, nhưng tụ hợp đông đảo nhất có lẽ là ở huyện An Phú ngay đầu nguồn châu thổ, giáp ranh Châu Đốc và Tân Châu.
Làng người Chăm Châu Giang khá bình yên, với những ngôi nhà sàn độc đáo cùng những thánh đường Hồi Giáo có kiến trúc tháp tròn đặc sắc. Nhà sàn gỗ của người Chăm nơi đây thường nhỏ nhắn, kiến trúc đẹp được dựng bằng nguyên liệu là các loại gỗ có độ bền cao với khả năng chịu được độ ngập nước mỗi mùa nước nổi và tùy thuộc loại gỗ quý hay không để thể hiện sự giàu có của chủ nhân. Mặt tiền nhà sàn có thang gỗ, cửa cái ra vào thấp hơn đầu người mang hàm ý khách vào nhà phải cúi chào nhà và chào chủ nhà.
8. Miếu Bà Chúa xứ núi Sam
Miếu Bà Chúa xứ núi Sam cách trung tâm TP Châu Đốc khoảng 5 km. Khi đến Miếu Bà, ngoài tham quan kiến trúc miếu,và phong cảnh núi Sam, du khách còn có thể mua sắm vì nơi này cũng tấp nập người mua bán và hàng quán không kém chợ Châu Đốc.
9. Thánh đường Masjid Jamiul Azhar
Masjid Jamiul Azhar là một trong những thánh đường lớn nhất ở An Giang, thuộc địa phận của xã Châu Phong. Được xây dựng vào năm 1959, thánh đường đã trải qua nhiều đợt trùng tu. Với mái vòm, biểu tượng trăng lưỡi liềm cùng lối kiến trúc rõ nét Hồi giáo, công trình này được đánh giá là một trong những thánh đường Hồi giáo đẹp nhất Việt Nam.
10. Chợ biên giới Tịnh Biên
Chợ biên giới Tịnh Biên là điểm du lịch nổi tiếng của An Giang mà du khách không nên bỏ qua. Chợ chỉ cách cửa khẩu hải quan hai nước khoảng 2 km. Đây là nơi buôn bán nhộn nhịp của cả người Việt và Campuchia.
Đi vòng quanh chợ, du khách có thể tìm được rất nhiều mặt hàng lạ mắt mà không phải nơi nào cũng có như khô chuột, nhái, côn trùng…