Dẫu biết người dân bản địa ở Đà Lạt thật thà, nhưng cũng không ít lần du khách bàng hoàng vì bị “chặt đẹp” bởi các tiểu thương ở những địa điểm đông khách du lịch. Đừng để tình trạng chặt chém khách du lịch làm bạn nản lòng khám phá Đà Lạt. Tham khảo ngay bài viết dưới đây từ Thichdi.com để bỏ túi các mẹo đi du lịch Đà Lạt không bị chặt chém khi mua đồ tại các khu du lịch ở Đà Lạt nhé!
Một vài trường hợp du khách bị “chặt chém” khi mua đồ tại Đà Lạt
“Chặt chém” là một động từ xuất hiện cách đây vài năm muốn chỉ hành động bán hàng với giá quá cao so với giá trị thực sự của món hàng đó. Cũng có khi người mua hàng biết được đó là một mức giá “trên trời” nhưng vẫn phải trả người bán do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Người thực hiện hành vi “chặt chém” thường sẽ phải dùng nhiều chiêu trò khác nhau để “lừa” được khách hàng “vào tròng”. Những kiểu này có thể xuất hiện ở rất nhiều nơi nhưng đa phần sẽ tập trung ở những khu du lịch, những điểm vui chơi giải trí.
Sau đây Thichdi.com sẽ đưa ra một vài trường hợp du khách bị chặt chém không thương tiếc ngay tại thành phố Đà Lạt.
Giật mình với mức giá “trên trời” ở chợ đêm Đà Lạt
Được truyền tai là một điểm đến vô cùng độc đáo không thể nào khi đến thăm thành phố ngàn hoa nên chợ đêm Đà Lạt luôn là một điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách.
Dạo quanh một vòng qua các gian hàng thì chắc hẳn bạn sẽ không thể nào kiềm lòng được trước sự mời gọi của bánh tráng nướng, xiên nướng, những tô hủ tiếu nóng hổi, thơm nức mũi trong cái thời tiết se lạnh về đêm của Đà Lạt.
Hoặc nếu bạn là một tín đồ của hoa quả sấy thì sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội trải nghiệm thử hoa quả sấy thơm ngon “chính gốc” tại Đà Lạt!
Nhưng điều quan trọng là nhiều du khách đã ngã ngửa với mức giá trên trời khi phải thanh toán 120.000đ cho một tô hủ tiếu. Hoặc là mua phải những đặc sản (mứt hoa quả) gia công không rõ nguồn gốc, ăn không có mùi vị thơm ngon thông thường với một mức giá đắt tới phi lý.
Đa phần những trường hợp này nếu du khách đã sử dụng sản phẩm hay dịch vụ rồi thì mức giá kia có phi lý đến đâu cũng vẫn sẽ phải cắn răng để trả tiền. Còn nếu “may” vẫn chưa kịp dùng mà muốn trả lại, không mua nữa thì sẽ bị uy hiếp.
Chụp ảnh với nhân vật hoạt hình
Đây chính là một trong số những trường hợp “lừa đảo” du khách rõ ràng và lộng hành trắng trợn nhất. Đó là khi bạn đang đi tản bộ ngắm cảnh đêm thơ mộng của Đà Lạt thì sẽ được mời gọi chụp ảnh với những nhân vật hoạt hình như Minion, Pikachu,…
Nếu là bình thường thì có thể đây chỉ là những bức ảnh làm quen thân thiện giữa thành phố “chủ nhà” với những du khách mới lạ. Nhưng không, ngay sau đó bạn sẽ được một nhóm 2 hoặc 3 người ra gây sức ép để đòi tiền bạn, cho dù trước khi chụp ảnh họ không có nói rằng chụp xong sẽ phải mất phí.
Bịa chuyện tham quan vườn dâu “miễn phí”
Tham quan vườn dâu là một hoạt động lúc nào cũng thu hút được đông đảo du khách nhất. Hiện nay có nhiều vườn dâu có cho du khách vào thăm vườn dâu miễn phí, chỉ tính phí số dâu tây mà du khách hái và mua thêm để mang về thôi.
Tuy nhiên thì có nhiều “lời mời” hấp dẫn được tham quan và ăn uống thoải mái không tính phí hoặc tính với giá quá thấp thì đây chỉ là một cái “bẫy du lịch” thôi.
Thông thường nếu du khách bị nhóm đối tượng này tiếp cận và thuyết phục thì sẽ được đưa đến một cửa hàng bán các đồ đặc sản và bị yêu cầu phải mua các mặt hàng này trước rồi mới dẫn ra vườn dâu.
Tuy nhiên, sau đó khi đến vườn dâu thì du khách sẽ ngã người vì “vườn dâu” kia hoàn toàn không có thật hoặc nếu có thì cũng sẽ chẳng có quả để hái. Thế là du khách đã bị lừa để mua một đống “quà đặc sản” không hề mong muốn.
Mẹo để không bị chặt chém khi đi du lịch Đà Lạt
Từ những trường hợp khách du lịch bị chặt chém với mức giá trên trời ở phía trên, có thể thấy rằng đa phần đều do bị thiếu thông tin và thiếu sự minh bạch ngay từ ban đầu. Do đó, bạn chỉ cần nắm rõ các “mẹo” sau đây thì hãy yên tâm là không bao giờ bị lặp lại những sai lầm đó nữa.
Thứ nhất, khi chọn mua bất cứ một sản phẩm hay dịch vụ nào đó thì hãy ưu tiên chọn những nơi công khai giá, có thông tin liên hệ đầy đủ. Kể cả khi đặt phòng khách sạn trước cũng vậy, hãy chọn những nơi có nhiều người sử dụng và có nhiều phản hồi tích cực từ du khách cũ.
Thứ hai, trước khi ăn hay uống ở khu chợ đêm hay các điểm du lịch thì bạn nên hỏi rõ giá trước khi mua. Nếu mức giá đưa ra quá cao thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cửa hàng phù hợp hơn. Một điều thú vị khi bạn ghé vào chợ đêm đó là đừng vội mua hàng ở ngay những gian hàng đầu tiên vì giá ở đó thường sẽ cao hơn nhiều so với các gian hàng phía cuối.
Thứ ba, nếu bạn muốn tìm địa chỉ của các vườn dâu đẹp và uy tín tại Đà Lạt thì hãy ưu tiên những vườn dâu không quá gần thành phố nhé. Vì những vườn dâu như thế sẽ mang tính tự nhiên nhiều hơn và ít bị thương mại hóa. Bạn có thể kích vào để xem thêm bài viết tổng hợp các vườn dâu uy tín tại Đà Lạt do Thichdi.com tổng hợp nhé!
Thứ tư, nếu bạn đang đi trên đường mà có một nhóm người lạ tiếp cận bạn để mời bạn chụp ảnh hay làm những gì đó một cách khó hiểu thì bạn có thể từ chối hoặc hỏi cho rõ ràng trước đã nhé. Đừng vội vàng làm theo khi chưa có bất kỳ thông tin nào sẽ rất dễ bị mắc bẫy của những “kẻ lừa đảo” nhé.
Bên trên là mẹo đi du lịch Đà Lạt không bị chặt chém vô cùng đơn giản nhưng lại giúp cho du khách tránh được đa số rủi ro bị chặt chém khi đi du lịch tại Đà Lạt. Nếu bạn có những kinh nghiệm hay mẹo khác hiệu quả hơn thì hãy cũng chia sẻ với Thichdi.com nhé. Mời bạn đọc thêm bài viết du lịch tại Thichdi.com. Chúc các bạn có những chuyến đi chơi thật vui vẻ!