Làng gốm Thanh Hà Hội An trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách kể từ khi Hội An được UNISCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đến nay có thể bạn thấy những sản phẩm gia dụng được làm từ đồng, nhôm, sắt hay inox trở nên quen thuộc, nhưng vào những thế kỉ trước thì sản phẩm được làm từ gốm được sử dụng phổ biến.
Một nghệ nhân đang ngồi chuốc gốm ngay tại nhà của mình
Mặc dù không còn được ưa chuộng thế nhưng với một tình yêu mảnh liệt với nghề các nghệ nhân của làng gốm Hội An đã gắn bó và bảo tồn được làng nghề truyền thống trải qua hàng trăm năm đến ngày nay.
Nằm cách phố cổ Hội An khoảng 3km về phía Tây, du lịch làng gốm Thanh Hà là một trải nghiệm tuyệt vời cho những ai ưa thích những hoạt động thực tế hay muốn tránh xa những khu phố đông đúc khi đến du lịch Hội An.
Hôm nay mixtourist.com.vn muốn đưa bạn đi tham quan và review làng gốm Thanh Hà Hội An để cùng ngắm nhìn bàn tay điêu luyện của những nghệ nhân tạo ra một sản phẩm gốm đẹp mắt như thế nào nhé.
Giới thiệu làng gốm Thanh Hà Hội An
Địa chỉ, thời gian mở cửa
- Địa chỉ: Phạm Phán, Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam
- Thời gian: Mở cửa hàng ngày từ 8:00 sáng đến 17:30
Giá vé làng gốm Thanh Hà
Giá vé người lớn là 35.000đ và trẻ em là 15.000đ. Vé này bao gồm khám phá làng nghề cổ, tham quan đền Nam Diêu, trải nghiệm làm gốm cùng các nghệ nhân tại nhà của họ.
Vé tham quan bảo tàng gốm Thanh Hà là 40.000đ đối với người lớn và 29.000đ với trẻ em cao trên 1.2m. Đối với trẻ em cao dưới 1.2m được vào cửa miễn phí.
Lịch sử làng gốm Hội An
Theo lịch sử kể lại rằng những người tổ nghiệp của nghề gốm Thanh Hà xuất phát từ xứ Thanh Hóa, vào khoảng thế kỉ 16 những người này di cư đến Hội An sinh sống và thấy nguồn đất sét nằm bên bờ sông Thu Bồn khá thuận tiện cho việc phát triển nghề gốm nên đã bắt đầu thành lập ra làng gốm Thanh Hà kể từ đó.
Khi triều đình nhà Nguyễn đóng đô ở Huế, các nghệ nhân nổi tiếng ở làng gốm Thanh Hà được gọi về để bổ sung vào đội xây dựng trong cung điện và các sản phẩm gốm Thanh Hà dần dần được xuất hiện trong kinh thành Huế cũng từ thời đó.
Thời kì phát triển thịnh nhất của gốm Thanh Hà phải kể đến là vào khoảng thế kỉ 17 và 18, khi mà Hội An đang là một thương cảng buôn bán sầm uất với đông đảo người dân sinh sống.
Những chiếc bát, niêu, chén, tô, chậu, lu, ấm,… sản xuất tại làng gốm Thanh Hà Hội An vừa rẻ vừa bền đã len lỏi và có mặt trong những ngôi nhà cổ Hội An và các vùng lân cận (từ Huế vào tận Bình Định),
không những thế nó còn vượt qua biên giới để có mặt ở các nước châu Á và Phương Tây nhờ những tàu buôn cập bến tại cảng Hội An xưa.
Ngày nay các sản phẩm gốm tiêu thụ mạnh nhất có lẽ là những vật phẩm trang trí, những món quà lưu niệm để gửi gấm cho du khách làm quà mỗi khi có dịp ghé đến Hội An.
Quy trình để tạo ra sản phẩm gốm Thanh Hà
Làng gốm Hội An khác biệt so với những làng gốm khác trên cả nước ở chỗ tất cả các quy trình sản xuất được làm thủ công hoàn toàn.
Đất sét là nguyên liệu chính để tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo, đất sét được lấy từ lòng sông Thu Bồn sau đó làm sạch và nhào nhuyễn.
Sau công tác làm đất tiếp đến các nghệ nhân sẽ tạo hình sản phẩm, đất sét được đưa lên bàn quay với 2 người,
một người dùng chân tạo lực để chiếc bàn quay tròn người còn lại dùng nghệ thuật và kinh nghiệm của đôi tay để nắn cục đất thành hình dạng mong muốn.
Sau khi nắn xong tiến hành phơi một nắng để cho sản phẩm gốm được cứng hơn và được nghệ nhân gọt sửa một lần nữa, sau đó tiếp tục phơi nắng lần 2 để gốm được cứng hơn.
Sau cùng là đem gốm vào lò nung khoảng 2 ngày 2 đêm tùy vào màu sắc mong muốn của chủ sản xuất để cho ra sản phẩm cuối cùng.
Kinh nghiệm đi làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà Hội An nằm ở phường Thanh Hà, ngay bên bờ sông Thu Bồn thơ mộng. Bạn có thể mất khoảng 2 giờ để tham quan địa điểm này trong chuyến du lịch Hội An của mình.
Thời gian lý tưởng để tham quan làng gốm
Làng gốm sẽ đóng cửa vào lúc 5:30 chiều do đó để tránh cái nắng nóng oi bức của Hội An bạn có thể ghé đến đây tầm khoảng 3:00 chiều để tham quan sẽ hợp lý hơn.
Hoặc nếu buổi chiều bận bạn có thể sắp xếp đến vào lúc sáng sau 8:00.
Note: Bạn có thể chuẩn bị cho mình một chiếc quạt cầm tay để phòng trừ trời quá nóng (vì trong làng có nhiều lò nướng gốm nên cảm giác sẽ nóng).
Nếu ngoài trời quá nắng bạn có thể tạm trú tại các nhà dân, vừa trú nắng vừa được xem họ làm gốm.
Phương tiện đến làng gốm Thanh Hà từ phố cổ Hội An
Xe đạp
Làng gốm chỉ cách trung tâm phố cổ tầm 3km, nếu có thể bạn nên lựa chọn đi bằng xe đạp dọc theo những con phố cổ sẽ là điều rất tuyệt vời. Bạn có thể mượn xe đạp tại khách sạn hoặc thuê xe bên ngoài.
Từ đường Trần Hưng Đạo nối liền Hùng Vương bạn sẽ gặp ngã ba và rẽ trái qua đường Duy Tân sau đó chạy thẳng đến đường Phạm Phán là tới. (sau khi mua vé bạn cũng có thể đi xe đạp và trong làng để đi khám phá)
Xe máy
Nếu không thích đi xe đạp bạn có thể đi xe máy, tuy nhiên bạn sẽ không được đi xe máy vào trong mà phải gửi và đi bộ để tham quan làng nghề.
Thuyền
Vì làng gốm nằm bên cạnh bờ sông nên bạn có thể di chuyển bằng thuyền để đến tham quan, nếu muốn đi thuyền bạn nên ghé lại bến thuyền để mua vé và thuyền sẽ đưa bạn đến bến thuyền ngay tại miếu Nam Diêu để bạn bắt đầu tham quan.
Bạn sẽ mất tầm tầm 30 phút di chuyển trên sông và giá chắc chắn sẽ đắt nhất (khoảng 150k/người) nhưng sẽ cho bạn cảm giác trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Xe điện
Ở Hội An dịch vụ xe điện phục vụ du khách cũng khá phát triển, bạn có thể sẽ mất khoảng 20k để di chuyển từ phố cổ qua đến làng gốm Thanh Hà.
Taxi
Đây là loại phương tiện khá phổ biến tại Hội An, tuy nhiên giá sẽ hơi cao hơn so với các phương tiện di chuyển khác.
Bạn nên dặn tài xế quay lại đón bạn hoặc ít nhất là có số của tài xế để có thể đón bạn về phố cổ bởi ở đó không phải là bến đậu của taxi nên có thể sẽ khó bắt (grab hiện đã không hoạt động ở Hội An nên đôi khi sẽ khó khăn cho bạn).
Khám phá làng gốm Hội An có gì?
Tham quan công viên đất nung Thanh Hà
Công viên có diện tích gần 6000 m2, đây là nơi bảo tồn những sản phẩm gốm của làng gốm Thanh Hà Hội An cũng như mong muốn giới thiệu sản phẩm gốm việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Đây là công viên lớn nhất Việt Nam được làm hoàn toàn bằng đất nung, được tọa lạc ngay giữa làng gốm Thanh Hà, đây còn được xem là bảo tàng nghề gốm với hàng nghìn sản phẩm, các hiện vật và tranh ảnh có liên quan đến lịch sử của nghề gốm.
Công viên được chia làm 2 bố cục, một tòa nhà úp là nơi lưu giữ các hiện vật gốm từ thời xa xưa, tòa nhà ngửa là nơi triển lãm và giới thiệu các sản phẩm gốm mới.
Điểm nhấn chính của công viên là một thế giới thu nhỏ với những công trình kiến trúc được xem là kiệt tác nổi tiếng trên thế giới như tháp nghiên Pisa, nhà hát Opera Sydney, nhà Trắng, Kim Tự Tháp, nhà thờ Đức Bà Pari, Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột, Tháp Rùa, ..được điêu khắc nổi bật hoàn toàn bằng gốm.
Tham quan ngôi làng và xem những nghệ nhân làm gốm
Đây là làng gốm nên bước vào trong làng bạn sẽ thấy toàn là gốm với những vật dụng gia dụng trong gia đình, những sản phẩm gốm trang trí được trưng bày nhiều ở trước nhà.
Nghề làm gốm ở đây được truyền qua nhiều thế hệ nên hầu như mọi người dân ở làng này đều biết làm gốm, mỗi nhà đều có mỗi bàn xoay làm gốm để mỗi khi có du khách là họ sẽ làm mẫu cho mọi người xem.
Bạn có thể đi vào các nhà dân ở đây để chứng kiến từng công đoạn để tạo ra những sản phẩm gốm hoàn chỉnh,
Điều tuyệt vời là hầu như ai cũng vui vẻ niềm nở chào đón mỗi khi có đoàn khách đến và rất nhiệt tình trong việc làm và giải thích cho mọi người trong từng công đoạn làm gốm.
Học làm gốm cùng các nghệ nhân
Bên cạnh tham quan thì bạn còn có thể tự tay mình nắn chuốc ra những sản phẩm gốm riêng với sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân ở đây.
Thực ra khi nhìn các nghệ nhân làm với sự nhẹ nhàng và khá đơn giản nhưng khi trực tiếp đặt tay vào làm mới thấy rất khó để có thể cho ra được một sản phẩm đều và đẹp 🙂
Nếu bạn muốn có người hướng dẫn tham quan tại làng thay vì tự tìm hiểu khám phá thì bạn có thể thuê một bạn hướng dẫn viên ở gần ngay quầy bán vé để họ thuyết minh và chỉ dẫn bạn.
Mua đồ lưu niệm từ làng gốm
Khi đi đến cuối làng (gần với GOM cafe) bạn nên ghé lại điểm tặng quà lưu niệm theo vé tham quan làng gốm Thanh Hà
Tức là bạn sẽ được tặng một món quà để làm kỉ niệm khi ghé thăm làng nghề, đây được xem là lời cảm ơn của các hộ dân muốn gửi đến du khách. Mỗi một vé tham quan sẽ đổi được một món quà.
Ngoài ra tại đây còn bày bán các sản phẩm làm từ gốm khác bạn có thể mua về để làm quà lưu niệm để tặng cho bạn bè và người thân.
Hình ảnh làng gốm Thanh Hà
Món quà kết thúc chuyến đi là một chú Tò he có thể thổi được
Nghệ nhân đang tập trung tạo hình trang trí cho sản phẩm gốm
Gốm được xử lý nguội sau khi phơi 1 nắng nhằm giúp mặt trong của chậu được mịn và đẹp hơn
Những chú tò he với hình hài của 12 con giáp trong cung hoàng đạo
Tạm kết
Tham quan làng gốm Thanh Hà và công viên đất nung Thanh Hà là hoạt động du lịch thú vị không thể bỏ qua cho những ai ưa thích những cuộc khám phá về lịch sử văn hóa tại Hội An.
Thật tuyệt vời hơn nữa khi những người dân ở đây đều rất thân thiện và vui vẻ khi giới thiệu một cách đầy tự hào về làng nghề truyền thống của cha ông.
Chính những tấm vé tham quan của bạn sẽ góp một phần chi phí để duy trì và bảo tồn làng gốm Thanh Hà Hội An.