Mùa đông năm nay rét thật, cứ mưa phùn kèm gió lạnh triền miên, nghe thấy dân tình đồn trên Sapa còn có cả tuyết rơi nữa. Nghe báo đài đưa tin rần rần mà lòng thấy sao xốn xang quá, thế là lại quyết tâm một lần “khăn gói quả mướp” lên đường để biết được thế nào là cái lạnh nơi gặp gỡ giữa đất với trời. Còn đang chưa biết phải làm gì tiếp theo thì tự nhiên lại đọc được bài kinh nghiệm du lịch Sapa tự túc của Thichdi.com, cảm thấy sao thật có duyên quá…
Du lịch Sapa có những gì?
Nghe nói ở miền Trung có Đà Lạt đã nổi danh là thành phố mộng mơ và còn là thiên đường của ngàn hoa đua nở. Thì hóa ra ở miền Bắc cũng lại có Sapa được mệnh danh là thành phố sương mù. Không biết thực hư ra sao nên phải tự mình tìm hiểu xem rốt cuộc du lịch Sapa sẽ có những gì?
Giới thiệu qua một chút về thị trấn Sapa
Sapa là một địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Lào Cai, nằm tại phía Bắc của nước ta. Nhờ được tạo hóa ưu ái mà thiên nhiên Sapa hiện lên như một bức tranh tiên cảnh đầy tráng lệ nhưng cũng không kém phần thơ mộng.
Từ nơi đây nhìn ra bốn bể xung quanh đều là mây trắng xóa, núi non trùng điệp vờn mây ghẹo gió, hàng thông già vững chãi như đã quá quen với cảnh tượng trước mắt, phía xa hơn lại là những ruộng lúa bậc thang vàng ươm báo hiệu một vụ mùa “no đủ”.
Khí hậu Sapa như thế nào?
Khí hậu Sapa quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình nằm trong khoảng từ 15 đến 18 độ C. Đặc biệt, đến mùa đông lạnh thì có những khi nhiệt độ giảm xuống dưới 0 độ C và còn xuất hiện cả tuyết nữa.
Ít nhiều ảnh hưởng bởi khí hậu ôn đới nên Sapa mưa nhiều vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Với độ cao trung bình từ 1.500 – 1.800m thì địa hình Sapa thích hợp đón gió, mây trắng quanh năm lửng lơ treo trên đỉnh núi.
Đến với Sapa bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên trăm hoa đua nở cùng những bản làng ẩn hiện trong màn sương giống hệt trong những câu chuyện cổ tích ta từng được nghe.
Những điểm đến đẹp nhất định phải đến khi du lịch Sapa
Núi Hàm Rồng (Sapa)
Núi Hàm Rồng có vị trí nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Sapa. Từ đây bạn sẽ ngắm được toàn cảnh của thị trấn bên dưới, bao gồm cả thung lũng Mường Hoa lúc ẩn lúc hiện trong màn sương khói mờ ảo vô cùng ấn tượng.
Nhà thờ đá Sapa
Nhà thờ đá Sapa cổ kính hiện nay được coi là một dấu kiến trúc cổ toàn vẹn nhất còn sót lại từ năm 1895 bởi người Pháp. Chính vì thế mà hiện nay nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn vô cùng cẩn thận. Để từ nay trở đi, hễ nhắc tới Sapa là người ta lại nhớ ngay đến nhà thờ đá phong cách Châu Âu lãng mạn này!
Thung lũng Mường Hoa – Bãi đá cổ Sapa
Theo kinh nghiệm du lịch Sapa bạn sẽ có thể ngắm được toàn cảnh Thung lũng Mường Hoa từ trên xuống khi đứng ở vị trí trên đỉnh núi Hàm Rồng. Thung lũng Mường Hoa nằm cách thị trấn Sapa 8km về phía Đông Nam, có vị trí nằm tại xã Hầu Thào.
Đến thăm Mường Hoa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những hình thù kỳ lạ khác nhau trên bãi đá sa thạch cổ Sapa. Trên đó là những hình khắc và ký tự kỳ lạ mà cho đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc cũng như ý nghĩa của chúng là gì.
Ngày nay, bãi đá cổ Sapa đã được xếp hạng di tích quốc gia và trở thành di sản độc đáo của người Việt Cổ. Ngoài ra, con suối xinh đẹp mềm mại kéo dài 15km trải dài qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Bản Hồ cũng chính là một kỳ quan hiếm có của thiên nhiên diệu kỳ của Lào Cai.
Thác Tình Yêu (Thác Bạc)
Thác Tình Yêu Sapa có vị trí hơi xa trung tâm thị trấn, cách thị trấn Sapa khoảng 12km về phía Tây tại Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu, Việt Nam. Từ trung tâm thị trấn Sapa muốn đi tới Thác Tình Yêu cần đi theo đường đi Lai Châu.
Chảy từ độ cao 100m, dòng thác chảy suốt ngày đêm tạo thành những bọt tung trắng xóa, hòa vào dòng suối thuộc thung lũng Ô Quy Hồ phía dưới tạo nên âm thanh ào ào đầy hào sảng.
Đấy là bức tranh thác tình yêu vào mùa mưa, còn vào mùa khô thì thác gần như không có nước, nên nếu bạn đi du lich Sapa vào mùa khô thì nên cân nhắc có thể chọn địa điểm khác thay cho Thác Bạc nhé.
Từ Thác Bạc (tên gọi khác của thác Tình Yêu), bạn đi thêm 3km nữa là đến vị trí Cổng Trời. Tại Cổng Trời bạn sẽ được ngắm thung lũng Lai Châu và nhìn thấy đỉnh Fansipan ngồn ngộn, hùng vĩ.
Nếu bạn muốn có thời gian để tản bộ và ngắm nhìn cảnh thiên nhiên nơi đây thì có thể dừng ở Trạm Tôn, rồi sau đó đi sâu vào vườn Quốc gia Hoàng Liên thêm khoảng 1km nữa là tới nơi.
Cổng Trời
Nhắc tới Cổng Trời Sapa ở phía trên có khiến bạn tò mò xem rốt cuộc cổng trời trông như thế nào không? Nếu có thì hãy nhìn bức ảnh phía bên dưới nhé:
Cổng trời nằm ở vị trí cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 18km về hướng Bắc.
Chinh phục nóc nhà Đông Dương – đỉnh Fansipan 3.143m huyền thoại
Phan-xi-păng được công nhận là ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương, nằm tại dãy Hoàng Liên Sơn. Để chinh phục được dãy Fan huyền thoại thì bạn có thể thực hiện theo 2 cách: đó là đi cáp treo hoặc tự mình leo núi:
- Nếu bạn tự leo núi:
Nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác thử thách bản thân bằng việc leo núi thì bạn sẽ cần chuẩn bị thêm nhiều dụng cụ chuyên dụng như: giày leo núi, gậy leo núi, sản phẩm nước tăng lực chuyên dùng trong leo núi, găng tay, áo mưa, thuốc xịt muỗi, đồ ăn thức uống,…
Thời gian leo núi thường sẽ mất 2 ngày 1 đêm để bạn có thể vừa đi vừa về. Lên đến đỉnh Fansipan tức là bạn đã chinh phục được cả một vùng không gian thiên nhiên rộng lớn.
- Nếu bạn đi cáp treo:
Nếu đi cáp treo thì bạn sẽ cần phải trả 700.000đ/người/vé khứ hồi. Nếu may mắn bạn sẽ săn được những dịp khuyến mãi, giá cáp treo được giảm còn có 50%, tức là chỉ còn có 350.000đ/người/vé khứ hồi cả đi cả về.
Thời gian đi cáp treo lên đến đỉnh Fansipan chỉ khoảng 15 phút, nhưng trong khoảng thời gian hiếm hoi này bạn sẽ tha hồ chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Lào Cai từ độ cao trên 3000 mét.
Chợ phiên Bắc Hà
Chợ phiên Bắc Hà là một phiên chợ thuộc loại lớn nhất trên vùng cao biên giới được họp vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Vì thời gian tổ chức chợ không nhiều nên mỗi khi phiên chợ diễn ra đều sẽ thu hút đông đảo bà con trong xóm ngoài làng. Nếu đi du lịch Sapa thì nhất định phải ghé thăm địa điểm du lịch nổi tiếng này nhé!
Đồng bào dân tộc vùng Bắc Hà đến phiên chợ ngoài để buôn bán trao đổi hàng hóa thì còn có thói quen đến chợ để gặp gỡ và vui chơi với nhau. Người lớn đến chợ để bán buôn, trẻ con thì rủ nhau đến chợ để vui đùa. Không khí đông vui náo nhiệt giống như đang chuẩn bị cho các ngày lễ Tết lớn trong năm.
Chợ phiên Bắc Hà cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 60km. Nếu bạn có cơ hội di du lich Sapa một lần thì hãy thử ghé thăm khu chợ độc đáo này một lần xem có gì khác so với chợ ở miền đồng bằng hay thành phố lớn nhé!
Đi Sapa mùa nào đẹp?
Du lịch Sapa mùa nào đẹp nhất là băn khoăn của đa số mọi người khi muốn ghé thăm nơi đây. Tuy nhiên thì mỗi mùa Sapa lại có những cảnh đẹp đặc sắc riêng:
- Thời điểm đẹp nhất để đi du lịch Sapa tự túc là vào 2 thời điểm: đợt 1 là từ tháng 3 đến tháng 5, và đợt 2 là từ tháng 9 đến tháng 11. Vì đây là khoảng thời gian thời tiết Sapa có sự ổn định nhất, thời tiết lành lạnh, ban ngày nắng ráo, đêm đến cũng không bị mưa.
- Tiếp theo là khoảng thời gian tháng 4 đến tháng 5: Là thời điểm bắt đầu vào mùa vụ của người dân các dân tộc thiểu số. Họ cấy trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Đã có rất nhiều thợ ảnh đến đây để săn chụp những khoảnh khắc tự nhiên nhất, chân thực nhất. Cảnh khi cấy lúa rất đẹp, cảnh trăm hoa đua nở cũng mộng mơ không kém.
- Khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 thường mưa nhiều nên ít ai đi du lịch Sapa vào khoảng thời gian này.
- Tháng 9 đến tháng 10: Là thời điểm lúa bắt đầu chín còn đồng bào nơi đây thì bắt đầu bước vào vụ mùa. Lúc này khắp cả thị trấn Sapa như khoác lên mình chiếc áo vàng rực thơm tho mùi lúa chín. Chụp ảnh cùng cánh đồng lúa chín khổng lồ cũng là một ý tưởng hay được nhiều người yêu thích.
- Tháng 12 đến tháng 2: Sapa lúc này đã thực sự vào đông và thời tiết đặc biệt lạnh hơn bình thường. Mấy năm gần đây, năm nào vào khoảng thời điểm này thì Sapa cũng xuất hiện tuyết rơi. Tuyết rơi lạnh là thế nhưng vẫn không thể che giấu được vẻ đẹp rực rỡ của hoa đào bung nở từ những cánh hoa. Mùa này thực sự thích hợp để lên Sapa ngắm hoa đào với tuyết rơi kết hợp chinh phục đỉnh Fansipan với độ cao 3.143m.
Kinh nghiệm du lịch Sapa tự túc từ A -Z
Đi Sapa cần chuẩn bị những gì?
Bạn sẽ cần phải chuẩn bị những gì để có một chuyến đi du lịch tự túc hoàn hảo. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm đi du lịch Sapa tự túc bao giờ thì hãy tham khảo phần viết bên dưới nhé:
Thứ nhất, bạn cần chọn cho mình phương tiện đi lại phù hợp. Từ trung tâm Hà Nội lên đến thị trấn Lào Cai có nhiều loại hình phương tiện: xe ô tô khách, tàu hỏa (chỉ đến trung tâm thành phố Lào Cai, bạn cần bắt thêm một chuyến xe nữa để đến thị trấn), xe limousine hoặc tự mình lái xe máy đến).
Thứ hai chính là vấn đề thuê phòng ốc để nghỉ ngơi. Có nhiều loại hình phòng ốc để bạn có thể lựa chọn, bao gồm: nhà nghỉ (từ 1 sao đến 5 sao), homestay, khách sạn,… Bạn nên thử liên hệ với các địa chỉ cho thuê phòng trước để tham khảo giá hoặc có thể đặt trước cho an tâm.
Thứ ba, bạn cần phải tự mình lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi. Ngoài việc dự trù kinh phí thì bạn cần phải xác định xem muốn đi du lịch trong bao lâu (thường thì sẽ đi 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 3 đêm, nếu bạn muốn leo núi Fansipan thì nên cộng thêm 2 ngày 1 đêm nữa).
Cuối cùng, bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cá nhân, quần áo và tiền. Nhiệt độ trên Sapa khá lạnh nên bạn cần đem theo nhiều quần áo ấm, đặc biệt là cần phải có ít nhất một cái áo gió để tránh bị ngấm nước mưa.
Chi phí đi Sapa hết khoảng bao nhiêu?
Thông thường chi phí cho một chuyến đi du lịch Sapa tự túc trong vòng 3 ngày 2 đêm sẽ trong tầm hơn kém 3 triệu đồng, bao gồm: tiền xe 500k/khứ hồi, 700k tiền cáp treo lên đỉnh Fansipan, 1.000k tiền ăn + quà mua về, 500k phí đi lại giữa các điểm du lịch và 300k phí phát sinh thêm.
Dưới đây là giá vé vào cửa một số điểm đến ở Sapa:
- Vé cáp treo lên Fansipan: 700.000đ
- Vé vào Thác Tình Yêu: 70.000đ
- Vé vào cổng Hàm Rồng: 70.000đ
- Vé vào bản Cát Cát: 70.000đ
- Vé vào cổng Thác Bạc: 20.000đ
- Vé vào bản Tả Phìn: 45.000đ
- Vé vào bản Tả Van (Lao Chải): 75.000đ
Bên trên là những chi tiêu cơ bản nhất đã bao gồm phí dự trù phát sinh. Ngoài ra còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi người bạn mức điều chỉnh có thể tăng lên hoặc giảm xuống.
Có thể đi du lịch Sapa bằng những phương tiện nào?
Hiện tại có 4 phương tiện thuận tiện nhất mà bạn có thể lựa chọn để đi đến thị trấn Sapa:
Ô tô khách
Nếu bạn chọn phương tiện là ô tô khách thi chi phí đi lại sẽ vào khoảng 500k/người/khứ hồi. Thời gian để đi từ trung tâm thành phố Hà Nội lên đến thị trấn Lào Cai hết khoảng 5 giờ đồng hồ.
Đây là loại xe giường nằm, thoải mái, dễ chịu. Bạn nên tận dụng chuyến xe xuất phát từ tối để tiết kiệm thời gian đi xe.
Xe Limousine
Xe Limousine là loại xe cao cấp chạy nhanh và tiện lợi. Chi phí cho 1 xe Limousine 9 chỗ so với 9 chỗ xe ô tô khách là sẽ hơn 150k. Ưu điểm của xe Limousine là có không gian riêng tư, thoải mái, có wifi và bạn có thể thuê xe phù hợp với số lượng người đi của mình.
Xe Cabin đôi
Xe Cabin đôi ra đời để dành riêng cho các cặp đôi đang yêu nhau hay các cặp vợ chồng. Giá vé của Cabin đôi thường khoảng 350k/người/chiều, nếu đi cả đôi sẽ là 680k/người/chiều.
Tàu hỏa
Vé đi tàu hỏa từ ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) đến Ga Lào Cai sẽ tùy thuộc vào từng loại ghế mà bạn chọn mà có mức giá khác nhau, bao gồm: ghế cứng, ghế mềm, giường nằm điều hòa.
Mức giá này dao động trong khoảng từ 150k đến 700k. Tuy nhiên khi đi tàu hỏa thì bạn sẽ không thể đến được luôn trung tâm thị trấn Sapa mà bạn cần bắt thêm một chuyến xe nữa mới có thể đặt chân đến thị trấn sương mù.
Đến Sapa thì ăn gì? Uống gì?
Đến với Sapa ngoài việc chiêm ngưỡng những cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ, non nước hữu tình ra thì bạn cũng cần tìm hiểu thêm về văn hóa của người dân bản địa nơi đây.
Mà một trong số những yếu tố phản ánh chân thực nhất nét văn hóa riêng biệt của mỗi vùng miền đó chính là ẩm thực. Vậy thì để cho chuyến đi du lịch Sapa của bạn được trọn vẹn thì bạn sẽ không thể bỏ qua được các món đặc sản sau đây:
Cá hồi và cá tầm tươi
Cá hồi và cá tầm Sapa là hai loại cá được nuôi trực tiếp tại đây luôn chứ không phải là là giống cá được nhập khẩu về. Do đó thịt cá cũng săn chắc, thơm béo và không có mỡ như trong các cửa hàng ở các thành phố lớn. Người dân Sapa thường thích nướng hay thát lát mỏng để trộn gỏi.
Trong cái tiết trời lành lạnh của Sapa thì còn điều gì tuyệt vời hơn cảnh cả gia đình cùng nhau quây quần bên đĩa cá tầm Sapa nóng hổi hay đĩa gỏi cá hồi tươi rói, thơm phức.
Rau cỏ tươi miền xứ lạnh
Thị trấn Sapa cũng giống như Đà Lạt – vốn sinh ra đã được giao trọng trách quan trọng là xứ sở của các loại rau củ của miền khí hậu ôn đới như su su, súp lơ, củ cải đỏ,… Nhờ thiên nhiên ưu đãi mà rau củ tại đây đặc biệt mềm mại và ngọt.
Lợn cắp nách
Lợn cắp nách – cái tên hài hước về một món ăn đặc sản của đồng bào Mông. Cắp nách ở đây ý chỉ những chú lợn này chỉ nặng tầm 4 đến 5kg (có thể đưa lên nách để cắp được) sau khi bị làm thịt sẽ được tẩm ướp nguyên con để nướng hoặc quay tùy vào sở thích. Người ta thường thích ăn thịt lợn cắp nách lúc nhâm nhi cùng rượu táo mèo Sapa.
Các món nướng Sapa
Thịt nướng tại đây thơm ngon, tươi và sạch sẽ. Không chỉ thịt mà bất cứ món gì nơi đây cũng có thể được chế biến theo cách nướng được, bao gồm trứng gà nướng, trứng vịt nướng, thịt xiên nướng, ếch nướng, cá nướng, khoai nướng, rau cải quấn thịt nướng,…
Nếu có dịp đến Sapa một lần thì chắc chắn bạn nên thử cảm giác ngồi ăn đồ nướng tại khu nhà thờ đá xem sao nhé. Chắc chắn đây sẽ là một không gian để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn khi nghĩ về Sapa.
Thắng cố – món ăn độc đáo nhưng không phải cứ cố là sẽ ăn được
Thắng cố là một món ăn lạ lùng với sự kết hợp của rất nhiều các loại lục phủ ngũ tạng khác nhau (trâu, bò, lợn,..) được nấu cùng với xương ngựa, tiết ngựa cùng 27 loại gia vị đặc trưng (quế, lá thơm, hồi,…) và các loại rau rừng. Nồi thắng cố của đồng bào còn được cho thêm rau, ngô, thảo quả, vỏ quýt,…
Có thể lần đầu thì bạn sẽ rất khó để ăn được thắng cố vì nó quá hỗn độn và có mùi vị rất hôi. Nhưng nếu dám ăn thử một vài lần thì rất có thể bạn còn sẽ bị nghiện cái hương vị bùi bùi này.
Mỗi khi nấu thắng cố, người ta sẽ thường nấu hẳn một nồi lớn cho cả vài chục người ăn. Vì nấu thắng cố mất rất nhiều thời gian cũng như cần phải chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu khác nhau.
Không những thế, không khí ăn thắng cố cũng phải là không khí nhộn nhịp đông người thì ăn mới ngon được, nếu phải ăn một mình thì thà không ăn còn hơn.
Lễ hội tại Sapa
Để có được cơ hội tham gia vào những lễ hội độc đáo của người đồng bào nơi mảnh đất Sapa đẹp đẽ thì bạn cần đi vào dịp cuối năm. Dưới đây là một vài lễ hội thú vị tại Sapa:
Hội ROÓNG POỌC của người Giáy
Cứ vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm thì lễ hội Roóng Poọc lại được tổ chức tại Tả Van (Sapa) bởi dân tộc người Giáy. Hội được mở ra nhằm mục đích cầu mong một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, người người bình an.
Tại lễ hồi, ngoài những nghi lễ độc đáo thì còn có cả những trò chơi tập thể thú vị, các màn nhảy múa và biểu diễn trống chiêng.
Lễ hội “Nào Cống” của dân tộc Dao, Mông,…
Lễ hội Nào Cống của dân tộc Dao, Mông, Giáy, Mường Hoa diễn ra vào tháng 6 âm lịch. Ngày lễ được tổ chức ở miếu thờ bản Tả Van và mỗi gia đình sẽ cử ra một người đại diện để tham gia làm lễ.
Mục đích của lễ hội Nào Cống là cầu mong một mùa màng bội thu và cuộc sống bình an. Kết thúc buổi lễ sẽ là một chầu ăn uống vui vẻ của tất cả mọi người.
Lễ quét làng của người Xá Phó
Mỗi năm người Xá Phó có tổ chức một ngày lễ quét làng vào ngày ngọ hoặc ngày mùi; hoặc tổ chức ngày con người vào tháng hai âm lịch. Mục đích của lễ này là để cầu mong một năm mới bình yên, mùa màng bội thu, hoa màu tươi tốt, vật nuôi khỏe mạnh.
Tại lễ quét làm, mọi người sẽ cùng nhau góp gà, góp lợn, góp gạo,… để thổi cơm chung làm mâm cúng các loài mà và nhờ thầy cúng làm lễ, mọi người cùng nhau vẽ mặt và nhảy múa vui vẻ.
Kết thúc buổi lễ thì mọi người sẽ cùng nhau ăn uống và phải ăn hết không được để thừa tí, cũng không được đem thức ăn thừa vào trong làng.
Hội Gầu Tào của người Mông
Lễ hội Gầu Tào của người Mông được tổ chức dịp đầu năm nhằm 2 mục đích: cầu tự hoặc cầu mệnh:
Một gia đình chưa có con, thưa con hoặc sinh con một bề muốn xin có thêm con thì nhờ thầy cúng xin mở hội Gầu Tào để cầu có thêm con cái – đây là cầu Tự.
Một gia đình nếu thường xuyên đau ốm bệnh tật hay con cái yếu ớt, mùa màng thất bát thì cũng có thể nhờ thầy cúng xin mở hội Gầu Tào – đó là cầu Mệnh.
Lễ hội xuống đồng Sapa
Lễ hội xuống đồng Sapa thường bắt đầu vào mồng 8 Tết hàng năm của hai đồng bào dân tộc Tày và Dao xã Bản Hồ. Phần lễ bao gồm 3 tục: tục rước đất, rước nước và lễ cúng giao linh với thần linh.
Phần hội sẽ được bắt đầu thông qua các tiết mục văn nghệ với những điệu múa truyền thống đặc sắc của hai dân tộc này.
Các dân tộc miền núi phía Bắc của nước ta có nhiều những điệu múa đẹp và độc đáo. Nhưng vui nhất vẫn là những tiết mục mà xòe sau khi tiếng khèn trống bắt đầu vang lên.
Sau cùng sẽ phần chơi các trò chơi dân gian, bao gồm: ném còn, kéo co, đánh quay, đánh bóng, đẩy gậy, leo cột mỡ, bịt mắt bắt dê,…
Bài viết trên đây của Thichdi.com đã giới thiệu với bạn tất tần tật những kinh nghiệm du lịch Sapa tự túc cũng như toàn bộ những thông tin cơ bản nhất về nét đẹp truyền thống văn hóa của thành phố sương mù. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến đi chơi ở Sapa sắp tới. Còn một vấn đề nữa cũng khá quan trọng, đó là hiện nay tại thị trấn Sapa đang có rất nhiều các công trình đồng loạt được khởi công và trong giai đoạn hoàn thiện.