Hồ Than Thở Đà Lạt, nghe tên người ta đã cảm thấy bị thu hút và muốn đến tận nơi khám phá. Từ cái tên cho đến quang cảnh thiên nhiên nơi đây đều khiến bất cứ du khách nào từng ghé thăm cũng muốn quay trở lại thêm lần nữa. Bởi vậy, ngay sau đây, Thichdi.com sẽ cùng bạn đi tham quan địa điểm du lịch sở hữu cái tên lạ lùng của Đà Lạt – hồ Than Thở!
Hồ Than Thở ở đâu?
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 km về phía Đông, hồ Than Thở – địa điểm du lịch Đà Lạt nổi tiếng gắn liền với trục đường Quang Trung – Hồ Xuân Hương. Vì không quá xa và đường đi thuận lợi, nên du khách sẽ không mất quá nhiều thời gian để đến được hồ Than Thở Đà Lạt.
Địa chỉ: Phường 12, Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam
Thời gian mở cửa: 8h-17h
Giá vé vào tham quan hồ Than Thở: 20.000 VNĐ/người
Đường đi đến Hồ Than Thở Đà Lạt
Từ chợ Đà Lạt đi đến hồ Than Thở sẽ đi theo đường cầu Ông Đạo, tiếp đó tới quảng trường Lâm Viên rồi rẽ vào đường Yersin. Sau đó đi đến đường Quang Trung, đi tiếp đến đường Phan Chu Trinh và Hồ Xuân Hương, lúc này chạy thẳng thêm một đoạn đến cuối con đường, nhìn bên tay trái sẽ thấy trước mắt bạn chính là hồ Than Thở.
Truyền thuyết đồi thông hai mộ của hồ Than Thở Đà Lạt
Hồ Than Thở gắn liền với câu chuyện tình buồn của cô giáo Thảo cùng anh bộ đội tên Tâm. Họ là những người yêu nhau nhưng lại vì nhiều cản trở mà không thể đến được với nhau. Cho tới nay, khi đến tham quan ho Than Tho, người ta vẫn có thể thấy được mộ của cô giáo Thảo phía tay trái từ ngoài vào trong khu du lịch này.
Chuyện tình buồn này xảy ra vào năm 1956, Vũ Minh Tâm khi ấy là sinh viên học tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nay chính là Học viện Lục quân Đà Lạt. Tâm quen và yêu một thiếu nữ tên Lê Thị Thảo – người địa phương này, là giáo viên dạy Văn của trường Bùi Thị Xuân. Hàng ngày, mỗi khi từ bãi tập về, Tâm sẽ đặt một lá thư tình dưới mái nhà tranh bên hồ Than Thở.
Rồi tới chiều đi dạy trở về, Thảo cũng tìm đến ngôi nhà bên hồ để lấy và đọc thư người yêu đã để sẵn ở đó, đồng thời gửi lại một lá thư cho Tâm. Ngày tháng dần trôi, tình yêu giữa hai người mỗi ngày một lớn thêm, vì thế đã lập lời hẹn ước nên duyên vợ chồng, đến ngày Tâm hoàn thành việc học, ra trường thì sẽ kết hôn.
Nhưng trớ trêu thay, vì sự chênh lệch giai cấp, Tâm là con nhà giàu có, còn Thảo chỉ là trẻ mồ côi nên gia đình Tâm khi biết chuyện đã ra sức ngăn cấm đôi trẻ.Tốt nghiệp xong, Tâm bị cha mẹ bắt về quê và lấy một người con gái môn đăng hộ đối. Không thể cãi lời cha mẹ, Tâm đành chấp nhận hôn sự đã sắp đặt sẵn này.
Hay tin người yêu đã cưới người con gái khác, Thảo đau khổ tột cùng. Và cô chọn cách gieo thân mình xuống hồ Than Thở để mãi mãi nằm lại ở đó vào một chiều tháng 3 năm 1956. Trước khi tự vẫn, Thảo đã xé tà áo dài trắng của mình và viết hai câu thơ để lại bên bờ hồ. Hai câu thơ thể hiện rõ sự tuyệt vọng cho mối tình của người con gái:
“Tà áo trắng nay tình ta đã hết
Chút tình này xin trả lại cho nhau”
Bên cạnh đó, Thảo còn để lại bên bờ hồ một bức thư với nội dung rằng nếu ai tìm thấy xác cô, xin hãy chôn ở đồi thông ngay bên cạnh hồ Than Thở, cũng chính là nơi ngày trước cô cùng người thương từng hẹn hò, để ít ra khi chết đi rồi, cô cũng vẫn được sống trọn với những ký ức đẹp đẽ đã từng.
Vài tháng sau, Tâm quay trở lại Đà lạt thì biết được người con gái anh yêu đã không còn trên đời này nữa. Anh tìm đến mộ cô, khóc than cho mối tình dở dang chẳng thể thành của họ rồi quyết định viết đơn xin nhập ngũ.
Trong một trận đánh, anh bị thương rất nặng không thể cứu chữa. Biết mình không qua khỏi, Tâm nhờ bạn bè đưa thi thể mình về Đà Lạt và chôn cạnh mộ của Thảo – người con gái anh yêu, đồng thời làm cho cả hai người một tấm bia chung, khắc lên đó những dòng thơ mà anh đã dồn tất cả tình yêu cũng như tình nghĩa viết trong cuốn nhật ký.
“Nước biếc non xanh dù biến đổi
Mối tình chung thủy Thảo trong Tâm
Chiều chưa xuống mà nắng vàng vội tắt
Đêm chưa về mà cỏ đã đầm sương
Cả núi rừng ngấn lệ tiếc thương.
Cho mối tình ngang trái của đôi uyên ương không thành…”
Không lâu sau, vợ anh Tâm đến Đà Lạt thấy hai ngôi mộ của chồng mình và người yêu cũ được xây liền nhau nên sinh lòng ghen tức. Cô để hai ngôi mộ ở cạnh nhau được 3 năm, ngay khi vừa mãn tang liền đem thi hài chồng về quê hương Vĩnh Long chôn cất. Vậy là một lần nữa, Tâm và Thảo lại bị chia cách.
Tuy nhiên đến năm 1997, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp phép cho công ty TNHH Thùy Dương tiến hành cải tạo lại hồ Than Thở và đồi thông hai mộ để triển khai dự án du lịch. Vì vậy, ngôi mộ của cô giáo Thảo đã được sửa sang lại, ngoài ra người ta còn xây một ngôi một gió kế bên mộ cô Thảo và đề tên là Vũ Minh Tâm với ý muốn giúp hoàn thành di nguyện cuối cùng của hai người, để họ được ở bên nhau mãi mãi.
Tham quan hồ Than Thở Đà Lạt
Sở hữu cảnh vật nên thơ, hữu tình với tiếng gió rì rào mát rượi, đồi thông xanh ngát và đặc biệt là mặt nước phẳng lặng yên bình mà trầm ngâm, như người đang có tâm sự, hồ Than Thở đem đến cho du khách cảm giác thư thái, dễ chịu mỗi lần dạo quanh.
Đứng từ trên đồi thông hai mộ trông xuống, du khách sẽ nhìn thấy bao quát toàn bộ khung cảnh hồ. Bao quanh mặt hồ là rừng thông được chăm chút cẩn thận. Không ít các cặp đôi đã chọn đây là nơi thực hiện bộ ảnh cưới của mình hoặc là một trong những điểm dừng chân trong kỳ trăng mật lãng mạn.
Sau khi tham quan hồ Than Thở Đà Lạt, du khách còn có thể ghé thăm các địa điểm đáng chú ý khác của Đà Lạt như Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Dinh 1 Vua Bảo Đại, vườn bí ngô khổng lồ Đà Lạt hay vườn dâu tây Biofresh Bà Lan nổi tiếng vì những địa điểm này khá gần hồ.
Vừa rồi Thichdi.com đã cùng bạn tham quan hồ Than Thở Đà Lạt, hy vọng rằng những thông tin trong bài viết này sẽ có ích với chuyến đi sắp tới của bạn. Và cũng đừng quên cập nhật những bài viết hay và bổ ích hơn nữa bằng cách thường xuyên theo dõi Thichdi.com nhé!