Chùa Cầu Hội An là địa điểm du lịch được nhiều người ghé đến nhất khi đến du lịch Hội An. Đây còn được xem là biểu tượng là linh hồn của người dân phố cổ. Địa danh này còn được vinh dự xuất hiện trên tờ tiền polymer 20.000đ của Việt Nam.
Mình tin chắc rằng ai đến Hội An cũng đều ghé chụp ảnh nhưng có lẽ chưa nhiều người hiểu hết về giá trị và lịch sử của Chùa Cầu.
Hôm nay Danangreview sẽ đưa bạn đi khám phá những điều đặc biệt cũng như lịch sử, kiến trúc của Chùa Cầu Hội An, để khi có dịp đến đây bạn sẽ hiểu hết được giá trị và nét đẹp của một biểu tượng được bảo tồn hàng trăm năm nay.
Thông tin Chùa Cầu Nhật Bản
- Địa chỉ: Nối liền giữa trục đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai
- Giờ mở cửa: Mở cửa 24/7
- Giá vé: 120.000đ (Vé nằm trong vé tham quan phố cổ Hội An)
Lịch sử Chùa Cầu Hội An
Một thành phố nhỏ với mái ngói đỏ, tường rêu phong với nhịp sống chậm rãi đang ngày càng nổi tiếng hơn trong mắt bạn bè thế giới với hình ảnh biểu tượng là Chùa Cầu.
Được bắt qua một con rạch nhỏ của dòng sông Hoài, cho đến nay người ta vẫn chưa xác định được chính xác thời gian chùa Cầu Nhật Bản được xây dựng, nhưng theo nhiều tài liệu sử sách ghi lại thì cây cầu độc đáo này được xuất hiện vào khoảng đầu thế kỉ 17.
Ai là người xây cầu này thì vẫn còn được tranh cãi những phần lớn các giả thuyết lịch sử đều nghiên về các thương nhân Nhật Bản khi họ có thời gian sinh sống và buôn bán tại đây. Chính vì thế nên cây cầu này còn có một tên gọi khác là Cầu Nhật Bản.
Vào khoảng năm 1719, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã có thời gian dạo chơi Hội An và có ghé lại Chùa Cầu, vì yêu thích nên ông đã đặt cho cây cầu này một cái tên khác nữa đó là “Lai Vãn Kiều” với hàm ý cây cầu sẵn sàng đón những vị khách phương xa đến, và cũng chính tên gọi này chúa đã tỏ rõ ý kêu gọi các thương nhân nước ngoài đến Hội An buôn bán.
Lịch sử của Chùa Cầu Hội An có gắn liền với truyền thuyết của con Cù (Namazu), một loại thủy quái vô cùng đáng sợ của vùng sông nước khi đầu thì nằm ở Nhật Bản, đuôi nằm ở Ấn Độ còn mình của nó thì nằm ngay tại Hội An Việt Nam.
Cứ mỗi lần con quái vật này cựa mình thì thiên tai lại ập đến, Chùa Cầu này được ví như một thanh kiếm thần chắn ngang lưng con Cù để nó không thể cựa mình giúp cho cuộc sống bình yên nhân dân no ấm.
Đến ngày 17/2/1990 Chùa Cầu được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia, sau đó Cầu Nhật Bản được tôn vinh là biểu tượng của Hội An và kể từ đó hình ảnh của cây cầu này đã xuất hiện trên logo, băng rôn, quà lưu niệm gắn liền với phố cổ.
Kiến trúc Cầu Nhật Bản/ Japanese bridge
Chùa cầu được xây dựng theo lối kiến trúc cầu ngói xưa theo kiểu “thượng gia hạ kiều” tức là trên là nhà dưới là cầu.
Chùa Cầu dài 18m, rộng 3m gồm 7 gian được làm bằng gỗ với nhiều họa tiết đẹp và chân được làm bằng những trụ đá rắn chắc.
Bên trong Chùa Cầu Hội An có gì?
Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có thờ tượng phật mà thờ tượng Bắc Đế Trấn Võ, theo quan niệm của người Trung Hoa đây vị thần bảo hộ sứ sở mang niềm vui đến với mọi người và đặc biệt có khả năng trị các loài thủy quái.
Chùa này được người Hoa xây dựng để thờ cúng sau này. (Vì người dân địa phương xưa quan niệm rằng nơi đâu có không gian thờ cúng thì cũng được xem là chùa nên đặt nơi đây là chùa)
Phía mặt trước của chùa quay ra phía dòng sông Hoài, phía trên cầu được lợp kín ngói âm dương (một loại ngói được dùng phổ biến ở các nhà cổ Hội An), cây cầu vừa là nơi phục vụ đi lại vừa để người dân ngồi chơi hóng mát hay trú mưa.
Có một điều đặc biệt của cây cầu mà nhiều bạn không để ý đó chính là bốn bức tượng được thờ đăng đối ở 2 bên đầu cầu (2 tượng chó gọi là “Linh Khuyển” và 2 tượng khỉ gọi là “Thần Hầu”).
Những bức tượng này có ý nghĩa gì thì đến nay đó vẫn còn là một ẩn số, tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu thì đó có thể là năm khởi công và năm hoàn thành của cây cầu, tức là khởi công vào năm thân và khánh thành vào năm tuất (đây là cách ghi niên đại của người Nhật xưa).
Một ý nghĩa khác là các đời vua ở Nhật đều sinh vào các năm thân và tuất nên hai con vật này được xem là linh vật được tôn thờ và xuất hiện tại các công trình của người Nhật xưa.
Người dân địa phương đã miêu tả về chùa cầu với những bức tượng này như sau:
Chùa Cầu có bốn nàng tiên
Hai nàng tuổi Tuất, hai nàng tuổi Thân
Bức tượng linh khuyển được đặt để trấn giữ cầu
Do trải qua thời gian dài hoạt động nên chùa đã có những dấu hiệu xuống cấp, đến nay cầu đã được trùng tu nhiều lần vào những năm 1817, 1865, 1915, 1986 chính vì thế nên Chùa Cầu Hội An đã mất dần đi những nét văn hóa Nhật Bản và thay vào đó là nét kiến trúc của người Hoa và Việt Nam.
Theo mình được biết thì sắp tới sẽ có một cuộc trùng tu lớn kéo dài đối với cây cầu cổ này do đó nếu bạn chưa đặt chân đến đây thì hãy nhanh chóng ghé địa danh này để có được những tấm ảnh đẹp nhé trước khi nó .
Những câu hỏi về chùa cầu Hội An
Chùa Cầu Hội An tiếng anh là gì?
Hoi An Bridge Pagoda
Chùa Cầu Hội An tiếng Trung là gì?
會安大橋寶塔, 会安大桥宝塔
Chùa Cầu Hội An tiếng Nhật là gì?
ホイアン橋塔
Chùa Cầu Hội An thờ vị thần nào?
Bên trong chùa thờ thần Bắc Đế Trấn Võ
Chùa Cầu ở Hội An có tên gọi khác là gì?
Tên gọi khác là Cầu Nhật Bản, Chùa Cầu Nhật Bản hay Lai Vãn Kiều
Giá vé Chùa Cầu Hội An?
Vé tham quan Chùa Cầu sẽ nằm trong cụm vé tham quan Hội An, vé này bạn có thể tham quan chùa cầu và các địa điểm du lịch khác tại Hội An như các hệ thống nhà cổ và bảo tàng.
Chùa Cầu Hội An trên tờ tiền nào?
Hình ảnh Chùa Cầu được in trên tờ tiền 20.000 VNĐ
Khách sạn gần Chùa Cầu Hội An?
Long Life Riverside Hotel, Homestay Giá Rẻ Bống House Hội An, The Corner Homestay, Rock Mouse Homestay, A Tran Boutique Hotel,..
Hình ảnh Chùa Cầu Hội An
Tranh vẽ Chùa Cầu
Xem thêm những địa điểm du lịch Hội An gần Chùa Cầu
- Rừng dừa bảy mẫu
- Vinpearl Land Nam Hội An
- Nhà cổ Hội An
- Làng rau Trà Quế
- Làng gốm Thanh Hà Hội An
- Làng Lụa Hội An
Trên đây là những thông tin cơ bản về lịch sử và kiến trúc của Chùa Cầu Hội An, hi vọng nó có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về địa danh nổi tiếng này. Bạn nên đến đây vào một ngày gần nhất trước khi nó được xây dựng mới hoàn toàn.
Nếu bạn đã đến đây hãy để lại cảm nhận của bạn bên dưới để mọi người cùng tham khảo nhé. Chúc bạn có một chuyến đi thật vui cùng nhiều trải nghiệm tuyệt vời tại Hội An nhé.