Chuẩn bị các thông tin cần thiết về điểm ăn uống, nghỉ ngơi và vui chơi sẽ giúp chuyến đi của bạn thuận lợi hơn.
Cách TP HCM khoảng 125 km, Vũng Tàu là điểm đến thích hợp cho những ngày nghỉ cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ dài trong năm.
Thời tiết và thời điểm du lịch
Vũng Tàu thuộc Đông Nam Bộ, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa trong khoảng tháng 5 – 10 còn mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình ở ngưỡng 27 độ C nên mát mẻ quanh năm.
Trước và sau Tết là thời điểm thích hợp để du khách vừa tắm biển nghỉ dưỡng, vừa ngắm rừng hoa anh đào nở rộ ở đèo Nước Ngọt, thị trấn Long Hải. Tuy nhiên bạn cần xem trước dự báo thời tiết để tránh gặp mưa bão.
Các ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết, khách du lịch đổ về đông khiến giá cả dịch vụ tăng cao, các nhà nghỉ, khách sạn chật kín phòng. Để có kỳ nghỉ tuyệt vời, bạn nên tránh các khoảng thời gian này.
Di chuyển tới Vũng Tàu
Du khách có thể đi ô tô riêng, xe máy hay xe khách. Thêm lựa chọn nữa là đi tàu cánh ngầm từ cảng Sài Gòn đến cảng bến Cầu Đá.
Xe khách: Vé có bán ở bến xe miền Đông, giá 65.000 – 95.000 đồng một tấm.
Xe máy: Từ Sài Gòn, bạn xuất phát theo quốc lộ 1A, qua cầu Đồng Nai tới vòng xoay ngã ba Vũng Tàu thì rẽ theo quốc lộ 51 để về thành phố.
Một cách khác là đi theo đường phà Cát Lái sang Nhơn Trạch (Đồng Nai). Theo đoạn đường này, bạn sẽ ra được quốc lộ 51. Cách này giúp tiết kiệm khoảng 20 km. Thời gian di chuyển 3 – 3,5 h.
Tàu cánh ngầm: Du khách mua vé tàu tại bến Bạch Đằng. Tại Vũng Tàu, vé được bán ở các khách sạn và bến tàu Cầu Đá, số 120 Hạ Long. Thời gian di chuyển khoảng 2h.
Di chuyển trong Vũng Tàu
Du khách nên thuê xe máy để việc tham quan thuận tiện hơn.
Xe máy: Giá thuê dao động 150.000 – 200.000 đồng cho cả xe ga và xe số. Một vài địa chỉ cho bạn tham khảo là đường Trương Công Định, phường 8, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3 hay Nghiệp đoàn mô tô Hải Âu.
Xe đạp: Du khách có thể thuê tại khách sạn với giá 20.000 – 30.000 đồng mỗi giờ.
Xe điện: Đây là dịch vụ mới được khai thác, rất thuận tiện cho khách đi theo nhóm hay gia đình. Giá thuê xe 3 chỗ là 150.000 đồng, 7 chỗ là 200.000 đồng, 10 chỗ là 280.000 đồng và 13 chỗ là 320.000 đồng một xe. Bạn có thể liên hệ tại khu du lịch Biển Đông hay các trung tâm lữ hành trong thành phố.
Bạn cũng có thể thuê trực thăng trọn gói với giá 3.000 USD (khoảng 64 triệu đồng) một giờ bay.
Nghỉ qua đêm
Giá một phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn dao động 300.000 – 400.000 đồng. Du khách cũng có thể mang lều nghỉ trên bãi biển.
Điểm tham quan
Thích ca Phật Đài là một ngôi chùa nằm trên sườn núi Lớn. Vẻ đẹp ngôi chùa là sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên. Điểm đặc biệt là ngọn tháp Bát Giác cao 19m và tượng Phật Thích Ca ngồi thiền trên tòa sen xây ở lưng chừng núi.
Tượng chúa Kitô được xây dựng trên đỉnh núi Tao Phùng vào năm 1974 và hoàn thiện sau 19 năm. Tượng quay mặt về hướng nam, nhìn ra biển, nét mặt hiện lên vẻ bao dung, nhân từ. Sau khi vượt qua 133 bậc thang xoắn ốc trong lòng bức tượng, du khách có thể đón những cơn gió mát từ biển thổi vào và ngắm toàn cảnh Vũng Tàu.
Bạch Dinh xây dựng năm 1898, là công trình kiến trúc La Mã 3 tầng, cao 19m, lưng tựa vào núi Lớn. Nơi đây hiện lưu giữ 19 khẩu thần công.
Khu di tích đình Thắng Tam bao gồm lăng Ông Nam Hải, miếu Bà Ngũ Hành, miếu Bà… Đây là điểm du lịch rất hấp dẫn du khách.
Niết Bàn Tịnh Xá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại. Ngôi chùa còn có tên chùa Phật Nằm và tọa lạc trên sườn núi Nhỏ, hướng mặt ra biển. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1969 và khánh thành vào năm 1974.
Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên tọa lạc dưới chân núi Minh Đạm. Công trình nằm trong không gian tu hành hòa quyện với thiên nhiên hùng vĩ khiến du khách vãn cảnh đều thấy tâm hồn tịnh tâm, thanh thản.
Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát là ngôi chùa nhỏ nổi bật với pho tượng phật Bà Quan Âm trắng, cao 16 m hướng ra biển với khuôn mặt hiền hòa, đức độ.
Miếu Hòn Bà nằm trong một hòn đảo chơ vơ giữa biển xanh bao la, quanh năm sóng vỗ. Đến đây, du khách được trầm mình trong không gian thanh tịnh hay thưởng ngoạn cảnh sắc thơ mộng, hoang sơ quanh đó.
Linh Sơn Cổ Tự là ngôi chùa lâu đời nhất ở Vũng Tàu. Trong chánh điện có thờ một tượng Phật cao 1,2 m bằng đá thếp vàng được điêu khắc khéo léo tạo nên vẻ từ bi và sống động trên nét mặt.
Hải đăng Vũng Tàu là nơi bạn có thể thu vào tầm mắt những bãi tắm hình lưỡi liềm, núi Minh Đạm xanh ngát hay rừng hoa sứ rực sáng làm nổi bật nét kiên cố, vững chắc của toàn bộ cụm tháp. Để tới được vị trí đó, du khách phải men theo đường hầm được xây kiên cố trong ngôi nhà hai tầng, vốn là nơi cư trú và sinh hoạt của người gác hải đăng.
Nhà lớn Long Sơn (đền Ông Trần) là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý. Nhà lớn tọa lạc tại thôn 5 với tổng diện tích khoảng 2 ha, chia thành ba khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần.
Bảo tàng vũ khí cổ mở cửa khai trương từ đầu năm 2012. Đây là nơi trưng bày 500 hình nộm kích thước bằng người thật, khoác trên mình những bộ quân phục tuyệt đẹp, đại diện cho hình ảnh chiến binh từ khắp nơi trên thế giới trong nhiều thời kỳ; hơn 1.200 cây súng, 1.000 cây gươm cổ và nhiều bộ sưu tập quý hiếm khác.
Lễ hội truyền thống địa phương
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội độc đáo của ngư dân miền biển, diễn ra hàng năm tại đình Thắng Tam. Lễ hội rộn ràng trong ba ngày 16, 17 đến 18/8 Âm lịch hàng năm. Sự kiện thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương đổ về thắp hương, khấn vái cầu an, tri ân các bậc tiền hiền và cá Ông – vị cứu tinh của ngư dân miền biển.
Lễ giỗ Đức Thánh Trần là nghi lễ được người dân Vũng Tàu tổ chức hàng năm theo tập tục dân gian, cũng là dịp để ghi ơn và tưởng nhớ một vị tướng tài ba của dân tộc. Lễ giỗ được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức cổ truyền của dân tộc vào ngày 20/8 Âm lịch hàng năm.
Lễ hội Trùng Cửu được xem là lễ cầu an cho toàn dân được mạnh khỏe, an lành, hạnh phúc. Lễ hội diễn ra từ đêm mùng 8 đến hết ngày mùng 9/9 Âm lịch hàng năm tại nhà lớn Long Sơn. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ xưa và một số cổ vật quý hiếm bằng gỗ.
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành diễn ra trong ba ngày 16, 17, 18/10 Âm lịch hàng năm. Mở đầu là lễ rước cờ lọng, ngũ sự với tiếng kèn, tiếng trống vang dội. Kế tiếp là lễ nghinh thỉnh bà Thủy Long Thần Nữ tại miếu Hòn Bà.
Lễ hội bắn súng Thần Công là nét riêng biệt của thành phố biển. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức bắn súng Thần Công.
Món ăn đặc sản
Vũng Tàu có nhiều món ngon. Mỗi món gắn liền với địa danh, xuất xứ như: bánh khọt Vũng Tàu, bánh xèo Long Hải, bánh hỏi An Nhất, lẩu súng Phước Hải, cháo hàu Long Sơn, bánh canh Long Hương và nhiều hải sản tươi ngon với giá cả phải chăng.
Quà mua về
Du khách có thể mua các loại hải sản tươi về dùng trong ngày. Ngoài ra, còn có các loại hải sản khô và đồ thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ sò, ốc.