Không chỉ sở hữu những câu vọng cổ chan chứa nghĩa tình, nơi đây còn nổi tiếng vì có nhiều giai thoại về vị công tử phong lưu nhất nam kỳ lục tỉnh thời xưa.
Ngoài điệu Dạ Cổ Hoài Lang nức tiếng xa gần, Bạc Liêu hấp dẫn du khách cả từ những di tích lịch sử, điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn liền với cảnh quan và các câu chuyện cổ xưa.
Thời điểm du lịch
Du khách có thể đến mọi mùa trong năm, tuy nhiên muốn cảm nhận, tìm hiểu một cách trọn vẹn nhất về các phong tục, tín ngưỡng của người dân địa phương bạn nên đi vào dịp lễ hội (khoảng tháng 2, 3 âm lịch).
Phương tiện di chuyển
Bạc Liêu cách trung tâm TP HCM khoảng 290 km và mất 5h đi ô tô. Du khách có thể chọn những nhà xe uy tín khai thác tuyến này như: Phương Trang, Hoàng Yến, Kim Yến…, giá vé từ 190.000 đến 210.000 đồng.
Từ miền bắc, bạn có thể đi bằng đường hàng không qua chặng bay Hà Nội – Cần Thơ, sau đó bắt xe khách tới Bạc Liêu qua các hãng như Phương Trang, Tuấn Hưng, Vũ Linh… , giá vé 80.000 – 100.000 đồng, còn giá vé máy bay là 1.900.000 – 2.700.000 đồng. Tổng thời gian đi lại khoảng 4h30 phút…
Để di chuyển trong thành phố, ngoài xe máy, mọi người có thể chọn xe bus vì đây là một phương tiện khá phổ biến và hoạt động với tần suất cao.
Lưu trú
Giá nhà nghỉ mỗi đêm từ 180.000 đến 300.000 đồng, phòng ốc sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi và gần trung tâm thành phố. Bạn nên đặt phòng sớm để được trải nghiệm cảm giác làm “công tử” tại khách sạn Nhà Công tử Bạc Liêu với mức giá từ 500.000 đến 1.200.000 đồng.
Đặc sản
Dưa chua bồn bồn: là món ăn bình dân khá quen thuộc của người dân Bạc Liêu. Làm sạch củ non của bồn bồn, trụng qua nước sôi, ngâm trong hũ với hỗn hợp nước vo gạo, muối từ 3 đến 5 ngày là có ngay món dưa chua ngon để ăn.
Dưa bồn bồn có vị chua, giòn nên dùng để chấm nước tương, nước cá kho, mắm tép, trộn gỏi tôm thịt… Bồn bồn còn được chế biến các món khác như xào tép, xào thịt, nấu canh chua cùng cá ngác, cá rô,…Giá cho mỗi kg dưa là 40.000 – 50.000 đồng.
Xá bấu: Xá bấu hay còn gọi là củ cải muối, ngon nhất khi kết hợp cùng với cháo trắng. Người làm phải chọn những củ cải to về làm sạch, xắt thành từng sợi nhỏ phơi khô rồi trộn cùng đường, bột ngũ vị hương, muối và một ít rượu.
Bánh củ cải: Bên ngoài bánh được làm từ bột mì pha cùng với bột củ cải trắng, cán mỏng thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Nhân bánh được chế từ tôm, tép làm dập vừa phải, thịt heo nạc trộn với đậu xanh ướp gia vị thích hợp rồi xào chín. Ăn kèm với bánh củ cải là các loại rau sống và nước mắm chanh, tỏi, ớt.
Ba khía chua ngọt: Thuộc họ cua nhưng trên lưng có 3 vạch giống như dao khía nên người dân quen gọi là ba khía. Để món ăn ngon cần có những con ba khía không quá lớn hay quá nhỏ, rửa sạch, sau đó cắt bỏ mai và phần nhọn đầu càng. Ngâm nước sôi khoảng 15 phút để diệt khuẩn và giảm mặn, rồi cắt nhỏ để dễ ăn và nhanh thấm gia vị. Trộn đều ba khía với tỏi ớt đã băm nhuyễn, thêm chanh, đường, bột ngọt phù hợp với khẩu vị. Ngoài món chua ngọt, ba khía còn được dùng để chế biến các món ăn như rang me, mắm ba khía, gỏi ba khía đu đủ,…
Điểm tham quan
Vườn chim Bạc Liêu: Đi theo con đường mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, từ trung tâm thành phố đi thêm chừng 8 km, du khách sẽ đến được khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu. Với tính đa dạng sinh học cao, vườn chim Bạc Liêu được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên vào năm 1986. Giá vé vào cửa là 15.000 đồng.
Nhà Công tử Bạc Liêu: Tọa lạc tại đường Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu; ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp vào năm 1919. Ngôi nhà gồm một tầng trệt, một tầng lầu với 4 phòng và 4 đại sảnh, lối hành lang rộng rãi nên nhà luôn mát mẻ và thông thoáng.
Du khách đến đây ngoài việc tham quan, tìm hiểu kiến trúc, hiện vật lịch sử, du khách còn có dịp nghe kể về cuộc đời “dân chơi” của công tử giàu nhất miền nam thời bấy giờ. Đây thực sự là một điểm đến mà bất cứ du khách nào đến Bạc Liêu đều muốn đặt chân tham quan. Giá vé là 15.000 đồng.
Phật Bà Nam Hải: Được xây dựng năm 1973, thuộc phường Nhà Mát của thành phố; Phật Bà Nam Hải là công trình kiến trúc, văn hóa, tâm linh nổi bật. Đặc điểm thu hút du khách là tượng Phật Bà cao 11m hướng về biển Đông để phù hộ và che chở ngư dân đang mưu sinh ngoài biển khơi.
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu: Tọa lạc tại phường 2 của thành phố, nơi an nghỉ cuối cùng của tác giả bài Dạ Cổ Hoài Lang nổi tiếng Nam Bộ. Tại đây du khách được nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của ông, quá trình phát triển nghệ thuật từ bản Dạ Cổ. Du khách còn có dịp tham quan miễn phí các phòng trưng bày hình ảnh về trang phục, nhạc cụ, mô hình sáp về đờn ca tài tử… Năm 1997 khu lưu niệm được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nhà thờ Tắc Sậy: Tọa lạc tại xã Tân Phong, huyện Giá Rai cách trung tâm thành phố hơn 40 km theo Quốc lộ 1A hướng về Cà Mau. Nhà thờ là nơi an nghỉ của linh mục cha Trương Bửu Diệp được nhiều người sùng mộ, tin tưởng. Trong không khí thiêng liêng và nghiêm trang, nhà thờ là nơi cầu nguyện, xin ơn không những của những người Công giáo mà còn của dân khắp miền Tây. Từ ngày 11 đến 12/3 âm lịch là ngày giỗ của cha nên thu hút rất nhiều người dân đến viếng thăm.
Chùa Xiêm Cán: ngôi chùa đặc trưng của người Khmer tại Bạc Liêu, được xây dựng vào thế kỷ 19 trên khuông viên rộng đến 50.000 m2. Xuyên qua hàng cây xanh mát từ quốc lộ vào, du khách đều ngỡ ngàng bởi chùa được trang trí nhiều họa tiết, hoa văn, cùng với những đường nét chạm trổ, điêu khắc hết sức độc đáo.
Vườn nhãn: Du khách sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những cây nhãn gốc to khổng lồ được trồng trải dài đến hàng chục km kéo dài theo hai xã Hiệp Thạnh đến Vĩnh Trạch Đông của thành phố. Ngoài việc thưởng thức trái ngọt, du khách có thể tham gia cắm trại, dã ngoại…
Lễ hội truyền thống
Lễ hội Nghinh Ông: Lễ hội được tổ chức 2 ngày 9 và 10/3 âm lịch tại lăng Cá Ông thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải. Lễ hội tưởng nhớ công ơn của loài cá voi – được ngư dân miền biển phong là vị thần Đại tướng quân Nam Hải vì theo truyền thuyết đã có công cứu giúp ngư dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn mỗi khi gặp bão tố.
Lễ hội đồng Nọc Nạng: diễn ra từ ngày 15 đến 17/2 âm lịch tại huyện Giá Rai nhằm ghi nhớ, tri ân những bậc tiền nhân với tinh thần đấu tranh bất khuất vào những năm 1928 trên cánh đồng Nọc Nạng. Các hoạt động diễn ra trong lễ hội như: giao lưu ẩm thực, thi cờ tướng, kéo co, thả diều, gánh nước, bịt mắt đập niêu,…
Lễ hội Quan Âm Phật Đài: Vào các ngày 22, 23, 24/3 âm lịch hàng năm đều diễn ra lễ hội Vía Bà thu hút hàng ngàn du khách thập phương về dâng hương, thành kính.
Lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang: Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15/8 âm lịch tại khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của ông, người đã có công đóng góp cho sự ra đời và phát triển của bài vọng cổ. Hoạt động diễn ra trong lễ hội bao gồm các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu đờn ca tài tử, lễ giỗ tổ cổ nhạc, rước đèn trung thu và thả hoa đăng, trưng bày hiện vật, hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các sản phẩm nghề truyền thống…
Quà mang về
Đặc sản dưa bồn bồn, mắm ba khía, nhãn… là những món quà ẩm thực vô cùng đặc trưng của mảnh đất Bạc Liêu để du khách tặng cho người thân, bạn bè mình. Ngoài ra, du khách có thể chọn cho mình các loại sách giai thoại về Công tử Bạc Liêu, đĩa CD cải lương, vọng cổ…